Đọc sách, thói quen đang dần dần mất đi cùng với việc thời gian bị lấp đầy bởi những thứ khác có vẻ vô vị hơn và phù phiếm hơn, có vẻ thế, theo như cách tôi nhìn từ bên ngoài. Nhưng tôi ngày càng tệ hại hơn, dễ dãi hơn với chính bản thân mình, tôi kệ, tôi làm những thứ đó, để thời gian chìm đắm trong những trang sách bị thu hẹp lại một cách đáng chê trách. Khi chợt nhận ra điều đấy trong cái ngáp dài sau một giấc ngủ sâu đầy mông mị của buổi trưa trong cái lạnh lẽo của căn phòng tối om vì rèm và cửa ngăn cách với sự ấm áp của ánh mặt trời vào một ngày đông có nắng. Tôi tóm lại một buổi chiều yên bình bằng cách giành tâm trí cho sách và nhạc, không HD, không camera, không internet. Một cốc café đậm đặc được pha, tôi chậm chạp, không vội vã đợi cốc café được vun cao sau những tiếng lách tách của từng giọt café loại đặc biệt mà tôi vô cùng thích, hoàn toàn đen và đặc gần như quánh lại, vị thơm của café nồng lên mũi tôi mang đến cho tôi một cảm hứng, một khoái cảm kì lạ, như một kẻ ngái ngủ đang dạo bước trên những cung đường chán ngắt chợt thoảng đâu đó trong không khí mùi hương của hoa sữa mùa thu Hà Nội, quyến rũ và mê hồn người. Một chất đen hoàn hảo để đánh lừa cái dạ dày vốn đã uống một cốc đầy café ban sáng. Tôi đọc nốt quyển sách “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” của Haruki Murakami mà tôi đã bỏ dở trong lần đọc lại cách đây một tuần, tôi không biết tại sao tôi lại đọc lại nó, nhưng sau khi nhìn khắp lượt cái tủ sách nghèo nàn của mình nơi mà có nhiều quyển tôi mua về nhưng chưa đụng đến thì tôi quyết định đọc lại quyển đó nhưng như đã nói bị bỏ dở sau hơn 100 trang.

Đọc sách trong khi nghe nhạc mang lại cho tôi một điều gì đó thiêng liêng và vô cùng đặc biệt, như trong một giấc mơ, tôi mơ thấy nàng múa, điệu múa kì lạ và quyến rũ, điệu múa mang đậm chất á đông phía trong những điệu nhạc thần thánh, múa mà không có nhạc phụ hoạ thệm vào thì sẽ ra sao? Hẳn sẽ lạc lối và thiếu cảm xúc nhiều lắm. Nên bất cứ lúc nào có thể tôi luôn muốn bật nhạc trong khi đọc sách. Chính vì điều mà tôi cảm thấy và mong muốn đó nên tôi luôn thận trọng chọn cho mình một loại nhạc nào đó vừa hợp với môi trường, vừa đồng điệu với cảm xúc lúc đó của tôi. Đồng thời, không bị sai lệch so với nội dung của cuốn sách mà tôi cho rằng thế là hợp. Nhưng thông thường sẽ là giai điệu cực kì nhẹ và sâu xa của Trịnh Công Sơn được thể hiện qua giọng hát của Khánh Ly, hoặc những bản concerto của Rachmaninov, Beethoven và đặc biệt là Requiem của Mozart…

Tôi thường không sử dụng Rock làm nền cho cảm xúc được trút ra từ những trang sách, tôi cảm thấy điều đó như việc sử dụng những màu nóng cho một bức tranh phong cảnh vẽ về một cách đồng trải dài trong một ngày thu êm đềm đầy nắng, rock hút cảm xúc tôi quá mạnh để tôi có thể tập trung hoàn toàn vào quyển sách. Nhưng lần này tôi chọn Rock để thêm gia vị cho cảm xúc tôi sẽ có với quyển sách. CD soundtrack phim The Wall của Pink Floyd. Đây không phải là một sự lựa chọn mang tính ngẫu nhiên. Một sự kết hợp kì lạ của cảm xúc được phát triển từ đôi tai và xúc cảm được lan toả từ đôi mắt. Đôi khi, 2 luồng cảm xúc đó đánh nhau, còn đâu phần lớn là một sự hoà hợp kì lạ. Thỉnh thoảng tôi dừng mắt đọc để nhắm lại và hát vang lên một đoạn cao trào nào đó, đôi khi tôi lại dừng tai lại tập trung tâm trí vào một câu văn nào đó mà tôi muốn nó trở thành của mình. Một sự gặp nhau kì lạ của những kẻ sống cô độc dù cho xung quanh mình nếu nhìn bằng đôi mắt thường là một sự dàn ra lớn lao của tình yêu, Pink – ca sĩ nhạc Rock, Hajime – chủ quán bar và tôi – một kẻ thanh niên nhạt nhoà trong một thành phố sắp ngàn năm tuổi.

 Cuộc đời tôi đầy những thứ không thực, hay thực chỉ ở trong thế giới của tôi, ngay cả lúc này đây, khi tôi gặp gỡ những tâm hồn cô độc như thế trong sách trong âm nhạc. Tôi luôn muốn tránh xa cái sự ảo đầy mê hoặc của internet nhưng tôi không chịu hiểu rằng cái ảo đó thực ra nằm trong chính cách cảm nhận thế giới của tôi, cách tôi muốn đồng điệu tâm hồn, gần gũi con người của tôi. Tôi từng yêu một người ảo, một con người với một bộ khung cơ bản, tôi đã tự nhào nặn, tự vẽ các hoạ tiết cho áo quần, tự cho phép trí tưởng tượng của mình hình dung những tính cách, mang cho hình hài đó một bản chất mà tôi biết tôi sẽ yêu vì điều đó chứ không chỉ vì cái vẻ đẹp vật chất trần tục bên ngoài. Hajime đã như thế, cái hiện thực mà Murakami vẽ ra cho anh khi anh gặp Shimamoto-san dường như rất thực, con người, thân xác, từng cái động chạm nhỏ, những khoảng thời gian chờ đợi nặng nề dài dẵng, và cuộc làm tình đầy đam mê, anh đã bỏ lại cái thực tại đầy hạnh phúc bình yên của mình bên người vợ và hai con để lao vào mối tình đó với Shimamoto-san, người duy nhất có khả năng lấp đầy cái khoảng trống mà như một cái giếng cạn mà anh đã có kể từ khi rời cô khi 12 tuổi.

Pink Floyd The Wall (19)

Tôi đã hình dung ra cái cảm giác trống rỗng của anh khi anh sống cuộc sống của một người chồng, cha bình thường và thành đạt, cái cảm giác thiếu hụt mà chỉ có cách tự mình nhào nặn ra một hình hài của chính bản thân mình thì mới có thể bù đắp được, đọc Murakami cảm giác của hiện thực và ảo xen lẫn nhau, hoà vào nhau, ranh giới của hai thứ đó đôi khi không thể tách bạch, “phía nam biên giới, phía tây mặt trời” có lẽ là quyển sách thực nhất của ông nhưng cái cảm giác đó vẫn không khỏi khiến tôi băn khoăn và ngờ vực. Vậy thì có gì mà băn khoăn ngờ vực khi tôi tự cho vận vào tôi cái hình ảnh của Hajime và Shimamoto-san. Cô đã không thể vượt qua một cái ranh giới mơ hồ nào đó như một hàng rào kẽm gai mà cô không thể trèo qua trong khi Hajime đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để chạy theo cái mà có thể lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn anh. Tôi cười nhẹ, nụ cười mỉa mai dành vào Hajime khi tôi nghĩ anh đòi chạy trốn khỏi thực tại để chui vào cái thế giới ảo mộng nơi những thứ xung quanh phần lớn là do anh tạo ra, không, dù gì thì mộng ảo mãi mãi có chỗ giành cho nó nhưng không phải có thể can thiệp một cách thô bạo vào cuộc đời thực.

Cái sự cô độc mà Pink có không giống như sự cô độc của Hajime, ở Pink đó là sự cô độc mà anh tự nhốt mình trong bức tường của chính mình nơi mà sự ruồng bỏ của xã hội không thể chạm tới, nơi anh sống với trí tưởng tưởng đen tối của mình về một thế giới bất ổn, kiêu ngạo, hèn nhát và tăm tối. Hình ảnh của tôi mà tôi nhìn thấy trong bản thể của Pink đó là sự tự co rút mình khỏi xã hội, sự thiếu niềm tin mãnh liệt vào cái xác xã hội mà tôi là một tế bào trong đó. Tôi đã không bật album này theo lối thông thường chạy track theo thứ tự câu chuyên, tôi để shuffle. Để cho thực tại, quá khứ, tương lại của Pink xuất hiện không theo trình tự nào, đan xen thành một mớ mà với điều đó câu chuyện của Pink sẽ trở nên rời rạc và nhạt hơn cho tôi tập trung vào câu chuyện của Hajime. Khi những track “In the flesh, Mother, Outside the wall” được vang lên chính là lúc trên con đường tôi đi theo Hajime, tôi đã dừng chân lại bên đuờng để trầm tư về chính bản thân tôi. Về sự cô độc mà tôi đang cảm thấy một cách trọn vẹn.

Cái sự cô độc ở trong tôi, như hình ảnh cái giếng sâu xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của Murakami đó chính là dục vọng lớn nhất mà tôi chưa khám phá ra được, cái dục vọng còn nằm sâu, tăm tối, tôi chưa thể dùng một dụng cụ gì đó để lấy lên cũng như không đủ khả năng để trèo xuống. Cái dục vọng vô bờ đó, đầy hăm dọa đó chính là thứ khiến cho tôi chưa bao giờ có một người bạn thực sự nào như Hajime và Shimamoto-san. Tôi đã từng có những người bạn gái rất tuyệt vời, những người mà sẵn sàng đi với tôi trong đêm khuya, sẵn sàng nghe tôi nói một cách đầy nhiệt huyết, nhưng rồi cái hang sâu của tôi, hay như hình ảnh cái giếng của Murakami khiến cho không một giới hạn nào bị vượt qua, và khi đó một cái gì đó trong tôi bị tuột ra và tôi đi mất hay đôi khi người con gái đó đi mất. Chẳng có gì nuối tiếc – đó là cảm giác mà tôi tin rằng chẳng hay ho gì. “Tôi đã kiềm chế, tôi đã kiềm chế để được ở lại trong một thế giới thiếu sinh khí, hoang vắng như bề mặt mặt trăng” Hajime đã nói thế. Và tôi cũng đã cảm thấy mình như thế. Tôi ích kỉ yếu đuối, nhạy cảm và đơn giản.

“Dù cho ấy có đang ở bên ai thì cũng chỉ là một mình” tôi không thể quên được câu này, vì thực sự ngay lúc này đây tôi đang như thế. Thân xác ở một nơi, còn cái tâm hồn lại bây đến một chân trời nào đấy nằm ngoài tầm kiểm soát của ngay bản thân tôi. Ai, ai có thể như Shimamoto-san giúp tôi rọi sang cái hang tăm tối, hay làm đầy nước giếng cạn, hoặc giả lấp lại cái giếng tối tăm sâu thẳm.

Facebook Comments Box

Comment