Là bộ phim độc lập đầu tiên đạt doanh thu trên 200 triệu đô, Pulp Fiction xuất hiện như mũi tiêm adrenalin đâm thẳng vào trái tim của Hollywood. Pulp Fiction làm hồi sinh sự nghiệp của John Travolta, đóng vai trò là bể phóng tài năng cho Samuel L. Jackson và Uma Thurman lên hàng ngôi sao, cũng như biến Bob và Harvey Weinstein thành những gã khổng lồ của ngành công nghiệp làm phim. Làm thế nào mà Quentin Tarantino, với tư cách là kẻ vô danh đã bỏ học giữa chừng và tay quản lý tiệm băng dĩa quèn, có thể biến đổi bộ mặt điện ảnh? Mark Seal đưa người đạo diễn, những nhà sản xuất và dàn diễn viên Pulp Fiction trở lại thời điểm của năm 1993.

Vào cuối năm 1992, Quentin Tarantino rời Amsterdam, nơi ông đã dành ra 3 tháng sống trong một căn hộ chật chội chỉ có một phòng ngủ và không có bất cứ phương tiện liên lạc nào. Tại đây ông đã viết kịch bản của Pulp Fiction, tác phẩm điện ảnh kể về xã hội thế giới ngầm hiện hữu ven rìa thành phố Los Angeles. Được viết nháp trên hàng tá sổ tay, kịch bản phim tại thời điểm ấy là một đống bùi nhùi rối rắm bao gồm hàng trăm trang chữ xấu khó tả của Quentin. “Chủ yếu là để kiểm tra toàn bộ lại một lần nữa rồi giao nó cho thợ đánh máy, Linda Chen, một người bạn tốt của tôi,” Tarantino nói. “Cô ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều.”

Khi Tarantino gặp Chen, bà ta hiện đang là một thợ đánh máy và là cố vấn kịch bản trẻ tuổi làm việc cho Robert Towne, nhà biên kịch nổi tiếng đã viết Chinatown. “[Quentin] thấy cách tôi làm việc với Towne và đội ngũ nhân viên của ông ta rất thú vị,” bà nói, giải thích rằng bà đã “gần như thường trú” tại căn hộ cao cấp của Towne và đóng vai trò người đánh máy, trợ lý nghiên cứu và góp ý nhận xét cho kịch bản phim tiếp theo của Towne, The Two Jakes. “Ông ta sẽ hỏi ý kiến nhân viên của mình trước tiên, rồi nếu mà những ý kiến đó mang cảm giác lơ lửng mơ hồ quá thì ông sẽ thốt lên, ‘Còn nhỏ người châu Á kia thì thấy thế nào?’” bà nhớ lại. “Quentin thấy cái sự kết hợp giữa nhà biên kịch kỳ tài với một thứ gì đó trông giống như ‘vũ khí tối mật’ này khá là hài hước.”

Nguồn ảnh: Vanity Fair

“Mọi thứ bắt đầu từ những cuộc gọi, anh ta cứ gọi điện cho tôi suốt rồi chỉ đọc đi đọc lại những trang kịch bản cho tôi nghe,” bà nói tiếp. Rồi sau đó tới những cuộc gọi khẩn cấp… mời bà đi ăn khuya. Chen lúc nào cũng phải đi đón Tarantino, vì ông ta đã bị tước giấy phép lái xe do chưa trả tiền phạt đỗ xe sai quy định. Ngay từ lúc đó bà đã biết Tarantino là một gã “thiên tài điên”. Tarantino đã từng thừa nhận rằng những bản thảo đầu của Pulp Fiction nhìn như “hồi ký của một kẻ điên loạn,” nhưng theo Chen sự thật nó còn tệ hơn thế rất nhiều. “Chữ viết của ông ta xấu không tin nổi. Nó như chữ viết của một người thất học vậy. Tôi phát hiện được đến tận 9000 lỗi ngữ pháp trên mỗi trang giấy. Sau khi tôi đã sửa xong anh ta còn cố gắng chèn mấy cái lỗi vào lại, vì anh ta thấy ‘thích’ chúng.”

Nhà sản xuất Lawrence Bender và TriStar Pictures, hãng phim đã tài trợ 900 ngàn đô cho dự án, liên tục đốc thúc Tarantino do ông đã quá hẹn nộp kịch bản giao kèo từ trước. Chen, người tại thời điểm đó đang đảm nhận công việc… trông chó cho một nhà biên kịch sống ở Beverly Hills, đã rủ Tarantino vào ở chung. Ông ta dọn vào ở với hành lý chỉ “bao gồm quần áo đang mặc,” rồi nằm lăn ra cái đi văng. Chen giúp Tarantino mà không tính phí với điều kiện rằng ông sẽ giúp bà trông thú cưng của mình khi bà đi vắng – con thỏ tên Honey Bunny. (Tarantino từ chối, và sau đó con thỏ chết; Tarantino đặt tên nhân vật thủ vai bởi Amanda Plummer trong Pulp Fiction là Honey Bunny để tưởng nhớ nó.)

Kịch bản dài 159 trang của ông được hoàn thành vào tháng 5 năm 1993. “Trên bìa, Quentin bảo tôi gõ chữ ‘THÁNG 5 1993 BẢN THẢO CUỐI CÙNG,’ để báo hiệu rằng sẽ không có bất cứ ghi chú, thêm khắt hay chỉnh sửa gì hết đến từ hãng lên kịch bản,” Chen nói.

“Tại thời điểm đó có khi nào cô cảm thấy mình đã góp công tạo lên một tuyệt tác điện ảnh hay không?,” tôi hỏi.

“Không hề,” bà trả lời. Tuy vậy sau đó Chen cũng trực tiếp trở thành một thành viên của đội ngũ làm phim với tư cách là nhiếp ảnh gia riêng cho dự án.

Khi Pulp Fiction được công chiếu ngoài rạp một năm sau đó, Stanley Crouch của tờ Los Angeles Times đã gọi nó là “tia sáng lóe lên trong một thời kỳ trì trệ.” Time thì cho rằng, “[Pulp Fiction] trông như một mũi tiêm adrenalin đâm trực tiếp vào tim khán giả.” Còn Owen Gleiberman của tờ Entertainment Weekly miêu tả Pulp Fiction “không khác gì sự hồi sinh của nền điện ảnh Mỹ hiện đại.”

Mặc dù kinh phí phim chỉ có 8,5 triệu đô, phim thu về đến tận 214 triệu đô toàn cầu, biến nó trở thành phim độc lập đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại thời điểm đó. Roger Ebert gọi nó là “phim có tầm ảnh hưởng lớn nhất” những năm 90, rằng “nó lôi thôi lếch thếch với âm điệu vang dội hơi hướng của các tạp chí khoa học viễn tưởng, và có kịch bản xuất sắc đến mức bạn muốn ghé mũi vào ngửi nó – những chiếc mũi của các nhà biên kịch đầu tắt mặt tối, những con người chăm chú đi học lớp viết kịch bản để nắm bắt bí kíp làm một ‘bộ phim thành công’.”

Pulp Fiction vực dậy sự nghiệp của John Travolta, là bệ phóng cho Samuel L. Jackson và Uma Thurman để tiến thân tại Hollywood, góp phần củng cố tên tuổi của Bruce Willis và biến Harvey và Bob Weinstein của Miramax thành những ông lớn của điện ảnh độc lập.

“Thật khó để mà tin rằng ông Tarantino, một tài năng tự học và chưa được kiểm chứng, người đã dành phần lớn quãng đời thanh thiếu niên của mình tại một tiệm cho thuê video, lại là bộ não đằng sau cái sự sâu sắc, sắc sảo và đầy sáng tạo của Pulp Fiction – phim xuất sắc đến nỗi, sẽ không nói quá khi gọi ông là nhà làm phim tiên phong của điện ảnh Mỹ,” Janet Maslin viết trong tờ The New York Times. “Bạn không chỉ bước vào rạp để xem Pulp Fiction: bạn đến đó để được bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy thú vị vào hang thỏ diệu kỳ.” Jon Ronson, nhà phê bình cho tờ The Independent của Anh, cho rằng, “Kể từ Citizen Kane đến nay… chưa có ai từ trạng thái vô danh, không tên không tuổi mà bỗng dưng hóa thành một những nhà làm phim hàng đầu.”

“Tôi chỉ coi phim nhiều mà thôi.”

Chỉ 7 năm trước thời điểm phát hành của Pulp Fiction, vào năm 1986, khi Tarantino lúc đó mới chỉ 23 tuổi và đang còn là một diễn viên bán thời gian để kiếm sống qua ngày – đồng thời là một kẻ bỏ học giữa chừng, một kẻ không một đồng xu dính túi, không có chỗ ở cố định và cực kỳ ít tắm gội. Không có người đại diện, ông bâng quơ gửi kịch bản của mình khắp mọi nơi cho bất kỳ ai thích thú muốn đọc. “Rẻ tiền quá, tục tĩu quá, bạo lực quá” là những lời bình ông nhận được. Theo Wensley Clarkson, việc ông dùng quá nhiều từ ngữ thô tục trong kịch bản của True Romance đã khiến đại diện một hãng phim viết thư gửi Cathryn Jaymes, quản lý cũ của Tarantino:

“Thưa cô Cathryn khốn nạn,

Làm thế nào mà cô lại đủ can đảm để gửi tôi cái đống rác rưởi này. Cô chắc lên cơn điên loạn rồi đúng không? Cô biết tôi nghĩ thế nào về nó không? Tôi gửi lại cô cái thứ thối nát ấy đây. Mẹ kiếp cô.”

“Như nhiều gã chưa từng làm phim bao giờ, tôi lúc nào cũng luôn cố luồn lách tìm cho ra được cách để có thể chễm chệ ngồi trên ghế đạo diễn,” Tarantino nói. Mặc dù ông ấy là ‘quốc vương kiến thức điện ảnh’ tại Video Archives, cửa hàng cho thuê video thuộc ngoại ô Los Angeles, ở mảnh đất phồn hoa của Hollywood thì không ai biết đến ông. Tuy nhiên, tại Video Archives, Tarantino có cơ hội được tiếp xúc với hàng trăm hàng ngàn thước quay đủ mọi chủng loại. Từ ‘kinh nghiệm thị giác’ có được khi làm việc tại nơi này, ông đã nảy ra ý tưởng ‘tái chế’ ba câu chuyện với mô-típ cũ rích: câu chuyện rập khuôn về gã võ sĩ quyền anh từ chối bán độ, về gã du côn được ủy thác dẫn vợ sếp đi chơi tối nhưng sau đó xuất hiện rắc rối, về hai tay sát thủ bất thình lình xuất hiện và bắn chết một đống người.” Nó sẽ tương tự như một cuốn cẩm nang điện ảnh vậy, một bộ sưu tập của bộ ba phim hình sự, giông giống với những câu chuyện sáng tác bởi những nhà văn như Raymond Chandler và Dashiell Hammett của những tạp chí chuyện phiếm những năm thập niên 20 và 30. “Đó là lý do tại sao tôi gọi nó là Pulp Fiction (Chuyện Tào Lao),” Tarantino nói.

Ông ấy đã lên kế hoạch sẻ chia vai trò viết kịch bản với đồng nghiệp cũ của mình là Roger Avary cùng một người bạn khác. Tarantino sẽ viết câu chuyện thứ nhất, về gã dẫn vợ sếp mình đi chơi. Phần của Avary thì sẽ xoay quanh tay võ sĩ quyền anh hết thời, kẻ đã cả gan lừa tiền ông trùm tội phạm nọ rồi cuối cùng phải đi cứu chính ông ta khỏi cảnh bị một gã quê mùa… cưỡng hiếp trong tiệm cầm đồ ngẫu nhiên.

Khi người bạn từ chối tham gia dự án, Tarantino cũng đã phải kiêm luôn cả câu chuyện thứ ba. Trong 3 tuần rưỡi làm việc tại gian nhà của mẹ ông, Tarantino nói rằng đầu ông cứ văng vẳng giọng nói lơ mơ của những gã tội phạm kỳ quặc. Ông quyết định bỏ đi ý tưởng ban đầu và tiến hành chấp bút viết ra kịch bản đầy máu me bạo lực về một băng đảng trộm cướp và một vụ cướp kim cương bất thành. Theo một nguồn ẩn danh, kịch bản này được đặt tên dựa theo tác phẩm phát hành năm 1987 của Louis Malle, Aurevoir les Enfants, cái tên mà Tarantino đã dí dỏm đọc sai với giọng Mỹ thành ‘reservoir dogs’. Được ghi chép trên hàng trăm trang giấy nháp, kịch bản phim không có nổi một dấu chấm câu, viết với chữ xấu không ai đọc được, và xuất sắc một cách không thể phủ nhận. Pulp Fiction sẽ phải đợi. Tarantino đã kiên quyết sẽ đạo diễn Reservoir Dogs ngay lúc ấy.

Tarantino sau đó quyết định gặp mặt Lawrence Bender, một cựu vũ công nam múa điệu Tango, người đã từng sản xuất một phim kinh dị hạng B tên Intruder. Sau khi đọc bản thảo nháp kịch bản của Reservoir Dogs, Bender thốt lên, “Ôi, thứ này thật tuyệt vời. Anh dành cho tôi một ít thời gian để tôi gây dựng vốn được không?” Tarantino ký thỏa thuận không chính thức với Bender trên một tờ khăn giấy và cho Bender hai tháng để thực hiện việc xây vốn. Một nhà đầu tư tiềm năng nọ được cho là đã sẵn sàng thế chấp cả căn hộ của mình để góp vốn cho dự án, nhưng chỉ với điều kiện là anh ta được đạo diễn cho phim. Không ai tin tưởng vào gã vô danh như Tarantino.

Nhưng Bender có biết một người quen của diễn viên Harvey Keitel, và từ mối quan hệ mà từ đó mọi thứ thay đổi một cách chóng mặt. Keitel gặp người viết ở một quán ăn bình dân tại New York công khai minh bạch, bởi vì, theo Keitel nói, “Tôi muốn người đọc của anh biết được rằng lúc nào cũng luôn có một tài năng xuất chúng đang du hành thế giới ngoài kia, luôn sẵn sàng được phát hiện. Chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng cứ phải làm đi làm lại mỗi một bộ phim, cũng như các phim nối tiếp của nó. Ví dụ tiêu biểu là Quentin. Tất nhiên, người đời sẽ nhắn nhủ với nhau rằng, ‘Ồ, thì kiểu gì anh ấy cũng thành công mà thôi.’ Nói vậy nó chả khác nào nói rằng cuộc sống lúc nào cũng công bằng, còn cái tốt lúc nào cũng thống trị cái xấu. Điều đó là nhảm nhí.”

Keitel biết đến Tarantino thông qua đạo diễn nhà hát Lilly Parker, một đồng nghiệp của ông ở Actors Studio. “Cô ta chỉ nói đơn giản thế này, ‘Tôi có một cái kịch bản mà anh đảm bảo sẽ ưng ơi là ưng,’” Keitel nói. “Tôi đọc nó xong thì như bị hút hồn vậy. Tôi không thể há miệng kể về nó với bất cứ ai. Tôi quyết định đợi thêm vài ngày, rồi sau đó tôi gọi lại cho Lawrence Bender.”

Gần như ngay sau đó, Tarantino phóng mình xuất hiện tại khu hộ nhà ở nơi Keitel đang thuê tại Los Angeles. “Tôi mở cửa, và trước mặt tôi có một gã cao kều, bộ dạng lóng ngóng nhìn chằm chằm vào tôi, rồi hỏi, ‘Harvey Kee-tel phải không?’ Và tôi trả lời, ‘Phát âm là Kye-tel,’” diễn viên 78 tuổi nhớ lại. “Và rồi mọi thứ bắt đầu từ đó. Tôi mời anh ta ăn gì đó, thế rồi anh ta ăn như hạm vậy. Tôi hỏi, ‘Anh xài chiêu bùa gì để có thể viết được một kịch bản như thế này? Anh lớn lên trong khu giang hồ à?’ Anh ta nói không. Tôi hỏi tiếp, ‘Gia đình có ai là xã hội đen không?’ Anh ta trả lời không. Rồi tôi hỏi nữa, ‘Vậy làm sao mà anh có thể viết được cái thứ quái dị này?’ Rồi anh ta trả lời, ‘Tôi coi phim nhiều.’”

Keitel ký hợp đồng đóng vai chính trong phim, và sự tận tụy của người diễn viên kỳ cựu này đối với dự án đã giúp gây dựng được nguồn vốn 1,5 triệu đô đủ để sản xuất phim – nhưng quan trọng hơn hết là ông ta đã ra mặt ủng hộ Tarantino trong vai trò đạo diễn. Reservoir Dogs, theo tờ Los Angeles Times, “là bộ phim được nói đến nhiều nhất tại Liên hoan phim Sundance năm 1992.”

Sau thành công của Reservoir Dogs, Tarantino được Hollywood mời chào liên tục. Nhưng Tarantino, người vẫn chọn gian phòng cũ dán đầy poster những tựa kinh điển như Breathless, The Evil Eye và poster Pháp của Dressed to Kill làm nơi nghỉ ngơi… không đoái hoài bắt máy.

“Họ mời tôi làm phim này phim nọ, với diễn viên nọ diễn viên kia, và tôi nói rằng, ‘Cứ gửi hết qua đây cho tôi đọc.’ Nhưng ai cũng biết rằng tôi sẽ làm theo ý tôi. Bạn thấy đấy, tôi vào trạng thái được voi đòi tiên rồi. Lúc làm Reservoir Dogs, bọn tôi không có bất kỳ cuộc họp mặt nào với bên sản xuất cả. Như vậy thì nó mới giữ được sự tinh khiết. Không có nhà sản xuất nào chạm tay đến cái kịch bản. […] Cho nên tôi có dự án của riêng tôi, và nếu bạn muốn tham gia, thì chúng ta hãy cùng nhau bắt tay vào thực hiện nó. Còn không thì tôi sẽ tìm người khác.”

Dự án đó chính là Pulp Fiction, bộ phim xoay quanh 3 câu chuyện tội phạm có liên quan mật thiết với nhau đặt bối cảnh tại thành phố Los Angeles.”Tương tự như việc thành phố New York là một phần quan trọng của các phim hình sự bối cảnh tại New York, thì tôi cũng sẽ hóa thành phố Los Angeles thành một phần quan trọng của phim đặt bối cảnh tại Los Angeles,” Tarantino nói. “Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về việc cho toàn bộ nhân vật trong phim chạm mặt nhau bằng cách này hay cách khác. Ngôi sao của câu chuyện này có thể là nhân vật nhỏ trong câu chuyện kia và là nhân vật phụ trong câu chuyện nọ, nói chung là như vậy.”

Ờ buổi ra mắt phim Terminator 2 vào năm 1991, Tarantino gặp Stacey Sher, một ủy viên ban quản trị trẻ tuổi của Hollywood, người về sau sẽ sớm trở thành giám đốc sản xuất hãng Jersey Films của Danny DeVito. Cô ấy giới thiệu Tarantino cho DeVito. “Tôi nghe anh ta nói không ngừng nghỉ suốt 10 phút và nghĩ rằng, ‘có lẽ mình vừa gặp được một tay nói chuyện còn nhanh hơn cả ông Martin Scorsese,’” DeVito nhớ lại. “Tôi nói, ‘Tôi muốn tham gia dự án phim ảnh sắp tới của anh, bất kể nó là gì đi nữa. “

Bài dịch từ: Cinema Tarantino: The Making of Pulp Fiction

Facebook Comments Box

Comment