Hai đứa em gửi tôi phim tài liệu này vào giữa đêm, chúng nó thổn thức vì bộ phim. Tôi nói “thôi anh không xem đâu, anh hiểu sự tàn khốc của Covid, theo cách nào đó, anh cũng đã được chứng kiến bằng chính mắt mình”. Tôi không xem cho đến buổi chiều hôm sau, vì nhiều tranh cãi của mọi người, vì tính nhân văn trong việc sử dụng máy quay ở một nơi “báo động đỏ” với những bệnh nhân đang “cận tử” như thế, tôi muốn hiểu xem, liệu bộ phim có đến mức “tàn nhẫn” vậy không?

Thật may mắn, tôi đã có 50 phút xúc động, máy quay của đạo diễn đã tiết chế đủ tốt để những hình ảnh đưa lên cho khán giả xem mang đến cảm giác áp bách của việc cứu người, của sự mong manh của cuộc sống, của những bệnh nhân Covid đang ở khu điều trị nguy cấp nhất thuộc bệnh viện Trưng Vương. Những góc máy tinh ý, vừa phải, chủ yếu đặt ở trung cảnh cho thấy sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, hộ sinh đang chiến đấu từng giờ từng phút cho những sản phụ mắc covid đang khó thở, họ khó thở gấp đôi vì trong người đang mang sinh linh bé bỏng được nhiều tuần tuổi.

Tôi muốn gọi đây là một phóng sự hơn là một phim tài liệu, vì thực tế, bộ phim không có nhân vật, không có cá tính của đạo diễn, không có góc nhìn của đạo diễn, nó khá thuần tuý về việc ghi hình và kể một câu chuyện đang diễn ra tại một địa điểm cụ thể trong một khung thời gian cụ thế, bối cảnh cụ thể, mang tính thời sự, trần thuật. Với cách gọi như vậy, tôi thấy đây là một phóng sự tốt lột tả được sự khốc liệt trong cuộc vật lộn của những cá thể người trong xã hội, những người đang ở hoàn cảnh đặc biệt (ở đây là sản phụ) vật lộn với covid để sống thông qua sự chăm sóc rất tận tình chu đáo trong một điều kiện rất thiếu thốn về vật chất.

Chỉ qua 50 phút, khán giả hình dung được sự quá tải của bộ máy y tế thành phố, sự quá sức của những y bác sĩ, và sự sống mong manh của bệnh nhân covid-19, điều mà y bác sĩ đôi khi phải ra những quyết định khó khăn, bỏ thai nhi để cứu lấy người mẹ. Tôi đánh giá cao những thước phim không “vô tình” đến nỗi cho thấy cơn đau và ranh giới mong manh của bệnh nhân. 

Những cảnh ghi lại trong Ranh Giới không đại diện được cho cả bộ máy y tế đang gồng mình để cứu sống rất nhiều bệnh nhân Covid-19 với rất nhiều tình nguyện viên, đội ngũ y bác sĩ, mà số lượng không nhỏ trong số đó vì chăm sóc người bệnh mà lây nhiễm chéo sang bản thân và cho gia đình mình. Những gì ghi lại của Ranh Giới chỉ là một góc nhỏ, một hệ quy chiếu để suy rộng ra cho chúng ta hiểu về sự nguy  hại của căn bệnh này. Tuy nhiên, cũng vì thế, bộ phim có một điểm thiếu hụt, là bộ phim trôi lo lửng không cung cấp được nhiều tính phản biện, tính giáo dục, hay tính lịch sử mà thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua.

Có một điều đáng tiếc là tôi nghĩ, bộ phim thiếu những dòng tri ân cần thiết cho bệnh nhân và gia đình, những dòng chữ cảnh báo cần thiết cho người xem. Đây không phải là một phim có thể chiếu ở giờ vàng và cho mọi đối tượng, có thể vì tính tuyên truyền mà nó gánh vác nên nó được phép, nhưng dù gì những cảnh liên quan đến sinh mạng, đến nỗi đau, đến sự mất mát là những điều cần được giới hạn về đối tượng khán giả và có sự cảnh báo trước để khán giả lựa chọn việc xem hoặc không xem.

Trên mạng xã hội tôi thấy mọi người tranh cãi rất nhiều vì những góc máy cận mặt bệnh nhân cũng như cảnh qua đời của một bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng đạo diễn cũng đã giải thích về việc những thước phim đã được sự đồng ý. Tôi hoàn toàn tin rằng vậy là đủ để có thể đưa hình ảnh vào phim. Vì thực tế không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới cũng vậy, tài liệu vốn là thể loại ghi hình lại sự thật, vậy thì đôi khi nhà làm phim cũng phải dũng cảm đối diện với dư luận để tạo ra được một tác phẩm theo đúng ý đồ mà mình mong muốn, dù cho nó có thể gây chia sẽ về phạm trù đạo đức xã hội. Nói vậy thôi, chứ tôi thấy Ranh Giới vừa đủ, không gì quá lố, và phản cảm.

Dù sao thì bạn có quyền xem hoặc không xem, bạn cũng có quyền tranh luận, chỉ là VTV nên để ý hơn về việc cảnh báo và tri ân/cảm ơn đầy đủ hơn 1 chút. Vậy thì phóng sự tài liệu này sẽ có lẽ trọn vẹn và bớt gây tranh cãi hơn. Dù sao thì cũng thấy tích cực ở nụ cười cô gái trẻ cuối phim, rồi thì Covid sẽ qua đi, chúng ta lại sống tiếp một cuộc đời thiện lương và rực rỡ của mình, mong vậy.

Facebook Comments Box

Comment