Đã 70 năm kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng những điều khủng khiếp mà nó để lại cho nhân loại dường vẫn luôn để dấu ấn đậm nét trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong điện ảnh. Bằng thủ pháp nghệ thuật kể chuyện qua hình ảnh, điện ảnh có sức mạnh to lớn trong việc tạo dựng lại quá khứ, biến nó thành một thực thể sống động. Từ đó, ta thấy được chiến tranh thế giới thứ 2 qua những góc nhìn chân thực đến nỗi như thể ta đang sống trong chính cuộc chiến đó. Mà mới đây, bộ phim Son of Saul, một trong những bộ phim được lựa chọn tranh giải Quả Cầu Vàng, của đạo diễn người Hungary László Nemes đã làm được. Son of Saul kể một câu chuyện cũ về thảm sát người Do Thái, nhưng ở một góc nhìn rất mới. Đặc biệt, đó là sự lựa chọn giữa việc tìm mọi cách để sống sót và bổn phận làm người. Bộ phim do vậy đã mang đến một phẩm chất nhân văn tuyệt vời trong những giờ phút tuyệt vọng nhất của con người.

Tại trại tập trung Auschwitz, có những người tù làm nhiệm vụ đặc biệt, họ được quân đội Đức lựa chọn để “lùa” những người già yếu, trẻ con vào trong phòng hơi ngạt. Những người tù đó phân bố theo các đội nhỏ, mà người quản lý là người được quân đội Đức tin tưởng. Họ thu nhặt trên xác chết những đồ vật có giá trị, họ mang xác chết đi thiêu… Saul là một trong những người tù đó, anh ở trong đội Sonderkommando. Trong một lần mang chuyển đống xác chết đi thiêu, anh nhận ra một đứa trẻ, là đứa con trai thất lạc từ lâu của mình. Bộ phim không khẳng định đó có đúng là con trai anh hay không, nhưng Saul tin đó là con trai mình. Và trong sự tiếc thương không dược phép bộc lộ ra ngoài, Saul muốn được chôn cất con trai mình theo đúng nghi lễ của người Do Thái, tức là tìm một tu sĩ, đọc kinh cầu nguyện và chôn xuống đất chứ không phải bị thiêu chung với rất nhiều xác chết khác. Nhưng làm sao anh có thể làm được điều đó khi luôn bị giám sát, khi những kẻ phát xít đang canh gác, theo dõi, khi mà sự sống xót của mỗi người còn đang treo trên sợi tóc, huống hồ một nghi thức đúng đắn cho một đứa trẻ đã chết. Vì điều đó, có thể giết chết không chỉ Saul, mà cả đội Sonderkommando

Đạo diễn László Nemes đã xây dựng phân cảnh mở đầu vô cùng ám ảnh. Với chiếc camera mở khẩu độ lớn, lấy nét mỏng được đặt sát sau lưng nhân vật chính để làm mờ hết bối cảnh phía xa, chúng ta không hiểu chuyện gì xảy ngoài những lời nói mang tính dụ dỗ về lời hứa công việc, chỗ nghĩ ngơi cho tất cả mọi người, nhưng trước tiên họ phải cởi bỏ quần áo và phải đi vào một căn phòng mà họ được chỉ. Những tiếng thở, những tiếng thì thầm, sự căng thẳng trong khuôn hình với góc nhìn hẹp và mơ. Ta mơ hồ nhận biết một điều gì đó sẽ xảy ra, nhưng không thể biết cho đến khi những tiếng hét và khóc vang lên. Sự diệt chủng bắt đầu, khinh hãi và đau đớn. Ta dần dần nhận ra, xa xa, trong sự mờ nhèo đi của khung hình là những xác chết trần truồng. Những cú máy dài cứ vậy, trên tay cầm của nhà quay phim Mátyás Erdély đi theo nhân vật chính, với đôi mắt luôn lo sợ, hơi thở mệt mỏi, và sự vô cảm trước cái chết trần trụi ở phía trước, ta như chìm trong một không gian kinh hoàng mà bản thân ta thấy sợ hãi vô cùng. Sự tinh tế trong cách quay khiến cho bộ phim hiện ra vừa thực vừa hư. Những thân thế trần truồng nằm chết tức tưởi được làm mờ, những tiếng thì thầm khó hiểu. Những ánh mắt nhìn nhau, vô cảm, những thân xác bị kéo lê vô tội…

son-of-saul

Nhưng thảm sát chỉ là bối cảnh câu chuyện. Bộ phim đầu tay của đạo diễn László Nemes không nhấn mạnh vào sự kinh dị, mà nhấn mạnh vào tình người. Saul phải lựa chọn giữa người thân và người dưng, lựa chọn làm bổn phẩn của một người cha, hay vì mạng sống mà bỏ qua điều đó… Bộ phim mang lại một cái nhìn đầy nhân văn về con người khi đối diện giữa sống xót hoặc chết. Sự day dứt của Saul, tính quyết đoán của anh, và những sự giúp đỡ dù đầy oán trách của những người tù mà anh làm việc cùng, đã giúp ta nhìn bộ phim ở một cảm xúc rất khác, ngoài sự kinh hoàng của những vụ thảm sát. Cảm giác về lòng nhân đạo của những con người đang ở địa ngục trần gian. Họ phải vô cảm với đồng loại đã chết để được sống xót. Nhưng họ không bỏ mặc những người đang sống. Saul có thể đã rất vị kỉ khi đặt mọi người vào nguy hiểm chỉ vì một xác chết, nhưng không vì thế mà họ để mặc Saul, họ vẫn giúp đỡ trong sợ hãi. Và tự nhiên, lúc này đây, chết chỉ là một sự lựa chọn như sống, nó không còn quá đe doạ khiến cho ta mất hết nhân tính nữa.

Với góc máy gần như luôn duy trì ở cận cảnh, đi theo hành trình của Saul ở địa ngục nơi mọi thứ điều vô cùng vô nghĩa và kinh hoàng. Khuôn mặt luôn luôn ở trạng thái bình thản, diễn viên Géza Röhrig đã hoá thân vào nhân vật Saul với một khả năng kì diệu. Saul kiên định với quyết tâm của mình, từ khuôn mặt, ánh mắt và cử chỉ. Camera ở ngay bên cạnh không làm nam diễn viên bối rối, mà như thể, anh đang dẫn khán giả đang sợ hãi đi tìm kiếm “tính người” ở nơi không còn nhân tính này.

SonofSaulCannes

Mặc dù là bộ phim đầu tay, nhưng đạo diễn László Nemes đã thể hiện một phẩm chất quyết đoán tuyệt vời. Ông cho chúng ta ngay từ đầu phim biết đây là nơi nào, tội ác kinh hoàng của phát xít Đức, để rồi sau đó, với nhịp độ không giảm, với những cú máy dài liên tục theo bước chân nhân vật, đạo diễn như thể, dẫn chúng ta đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn con người đang bị đày đoạ. Ta vừa căng thẳng, vừa hoảng sợ, những vừa cảm thấy một thứ tình cảm xen lỏi vào sâu bên trong mình trong mỗi bước đi của Saul, tình cảm của con người dành cho con người. Son of Saul là một bộ phim có chủ đề không mới, nhưng nó chưa bao giờ cũ để nhắc nhở chúng ta về hoà bình, về sự khoan dung, và đặc biệt là tội ác của chiến tranh, tội ác của những cái chết vô nghĩa lý, mà cho đến tận bây giờ, không ai có thể lý giải nổi, vì sao, đế chế thứ 3, phát xít Đức lại làm như vậy với người Do Thái.

Comment