Sinh tồn/ ranh giới của sống và chết là thể loại phim rất dễ thu hút sự chú ý, nên Squid Game khi mới ra mắt trên Netflix đã ngay lập tức được khán giả thưởng thức, và tôi cũng không ngoại lệ, trong khi lẩn tránh khá nhiều các bộ phim Hàn được đánh giá rất cao như Reply 1988, Hospital Playlist… tôi đợi và chọn xem Squid Game, vì thể loại phim, độ dài phim và để tìm kiếm một sự giải trí mang tính phấn khích.

Chúng ta sẽ phấn khích với những bộ phim đặt con người vào ranh giới sinh tử, mà ở đó, mọi bản chất bên trong của mọi người sẽ được bộc lộ ra ngoài, tấm mặt nạ gỡ ra, ta với sự trần trụi của mình, sẽ tìm mọi cách để sống, hoặc tìm cách để chết cho người khác sống. Cái tối thượng của sự tồn tại, đối với tôi chính là nó, danh giới của sống và chết, sống để đón nhận cái chết, và chết để yêu thương hơn cuộc sống. Tuy nhiên đáng tiếc, Squid Game chỉ là một bộ phim giải trí thuần tuý, hơi nhiều “melodrama” đúng kiểu Hàn Quốc, chứ nó không có được những tầm vóc cao hơn về mặt ý nghĩa sống như nhiều phim/truyện/truyện tranh/ hoạt hình khác.

Tất nhiên nó không có nhiều yếu tố cực hạn trong việc sáng tạo cũng một phần vì Squid Game đặt bối cảnh thực, không phải hậu tận thế, hay một thế giới giả tưởng nào, phim đặt bối cảnh ở Seoul, và thế giới thực tại, nơi những người chơi được lựa chọn là những kẻ đang phải gồng mình với một khoản nợ khổng lồ trên vai mà họ gần như không có khả năng trả nợ. Một bối cảnh rất thực tế, rất hợp lý, và dễ dàng để tạo động cơ cho các nhận vật người chơi tham gia vào những cuộc”giết chóc” khi giải thưởng của kẻ thắng cuộc lên tới 45,6 tỷ won (gần 40 triệu usd).

Nhân vật trung tâm của phim là Seong Gi-hun (Lee Jung-jae), một gã đàn ông thất bại trong cuộc sống, nghiện cờ bạc, thất nghiệp, sống với người mẹ già lúc nào cũng lo lắng bất an vì đứa con trai không có chí hướng của mình. Gi-hun từng có gia đình và một đứa con gái nhưng họ đã bỏ gã đi. Trong một cuộc đời như vậy, dù trái tim anh ta có trái tim nhân hậu và có phần ngờ nghệch, nhưng Gi-hun là dạng đàn ông không có bản lĩnh. Trong một lần chơi đánh trò “ném giấy” với một người xa lạ, anh ta được mời tham gia vào một trò chơi nơi anh ta có thể kiếm được rất nhiều tiền. Một lời hứa hẹn hấp dẫn trong khi trong khi anh ta đang rất cần tiền để cứu vãn lại cuộc đời mình, Gi-hun đồng ý. Và cũng như Gi-hun, hơn 400 người chơi khác cũng tham gia vào cuộc chơi này như vậy, và gần như tất cả họ đều đang phải chịu những khoản nợ khổng lồ.

Một điểm rất hấp dẫn của phim mà tôi thấy đó chính là ý từ lấy những trò chơi con nít để bắt những người lớn chơi, nó mang tính tương phản cực kỳ lớn giữa những màu sắc rực rỡ của không gian trò chơi đậm tính trẻ con, những trò chơi đơn giản và dễ dàng đối lập với sự xám ngắt u ám của cuộc đời những người lớn, cũng như sự phức tạp đến điên rồ trong cách mỗi người lớn sống và đối diện với cuộc đời họ. Như cô gái người Triều Tiên tị nạn qua Hàn Quốc, như người đàn ông đầy học thức nhưng đang bị truy bắt vì tội lừa đảo tài chính với khoản bồi thường hàng tỷ won…

Nhưng chính cái tính con nít của trò chơi lại là điểm khiến bộ phim khi mang vác một chủ đề sinh tồn lại trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt với 6 trò chơi được tạo ra, thì 3 trò chơi cuối cùng không còn được thấy được sự đấu trí, hay sự gay cấn, nó thuần tuý dựa vào may mắn và bạo lực. Có lẽ cũng hiểu được điều đó nên đạo diễn Hwang Dong-hyuk (Em là bà nội của Anh) đã xây dựng khá sâu tâm lý nhân vật, tạo nên nhịp điệu chậm rãi cho phim, và làm chắc các tuyến nhân vật chính của phim. Nhưng với cá nhân tôi thì tôi thấy nhịp và tone phim không được nhất quán trong việc điều tiết các yếu tố máu me bạo lực, và những phân đoạn “melodrama” tạo cho phim có một tiết tấu theo tôi thấy thì không cân đối, đặc biệt là ở 3 tập cuối, khi có sự xuất hiện của các nhân vật gọi là “VIP” hòng phần nào lý giải cũng như mang đến điểm bất ngờ cho câu chuyện, đã làm hỏng hết cái nhịp độ giải trí mà nửa đầu đã xây dựng được. Những nhân vật thừa đó làm cho phim vừa dài lê thừa, vừa vô nghĩa, và vừa nhàm chán. Nó cũng làm hỏng đi tuyến nhân vật “cảnh sát trẻ” vốn có thể khai thác sâu hơn và để lại nhiều tò mò hơn. 

Squid Game, đúng là một phim vừa trẻ con vừa người lớn, lửng lơ trong cái kết cấu thiếu đồng nhất. Đặc biệt dù nhân vật Gi-hun mang một “trái tim” nhân vật, thuần chất là trung tâm của bộ phim nhưng lại là một nhân vật vô hình nhất vì anh ta gần như không có sự phát triển trong tính cách, lối suy nghĩ hay cách sống. Anh ta vẫn ngu ngơ, ngờ nghệch, may mắn và thiếu bản lĩnh một cách đáng thất vọng. Nếu như những bộ phim sinh tồn, thông qua các trò chơi, các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính phải bộc lộ được mình, và khai phá ra những điểm tối ưu trong tính cách thì Gi-hun quả thực không có gì đáng nhớ. Còn nhân vật người em hàng xóm Cho Sang-woo (Park Hae-soo thủ vai) có chiều sâu, và nhiều ẩn ức hơn, thì lại quá luỵ vào bi kịch và làm cho mọi hành động trở nên quá tàn nhẫn để có thể dẫn đến một kết cục mà tôi nghĩ không hợp lý lắm ở màn cuối cùng.

Squid Game chỉ dừng lại ở mức độ giải trí, xem một lần vì nó cũng có những yếu tố hấp dẫn và kịch tính. Nhưng nó không phải là một bộ phim thông minh và đáng suy ngẫm, vì những mặt trái của xã hội, hay chủ đề xuyên suốt là niềm tin vào lòng tốt của con người, không được làm nổi bật, và không có những chi tiết đắt giá khiến ta tâm đắc. Thật tiếc.

Facebook Comments Box

Comment