Mỗi người đàn ông luôn từng có một mùa tráng niên nhiều mộng mơ, khi mà cô gái nhà bên trở thành giấc chiêm bao ám ảnh, còn nụ cười của cô mê hoặc như vầng sáng giáng xuống từ thiên đường.
The Virgin Suicide của nữ đạo diễn Sofia Coppola được tự thuật bằng nhân xưng “chúng tôi” – đám trai hàng xóm tại khu ngoại ô Michigan 30 năm trước, những gã trai lêu bêu lỡ cỡ tuổi đời ôm giấc mộng gợi tình về những cô con gái nhà Lisbon. Các cô ngọt liệm như thỏi kẹo, mát rượi như que kem, và tuyệt vọng như Đức mẹ đồng trinh nhỏ giọt nước mắt tìm kiếm sự cứu rỗi.
5 cô con gái xinh đẹp nhà Lisbon được miêu tả như những nữ thần chỉ tồn tại trong mơ, thoắt ẩn thoắt hiện cùng những nụ cười bí hiểm. Chẳng may, 5 nhan sắc đang đến mùa bung nở lại mắc kẹt trong một gia đình hà khắc, có người mẹ cay nghiệt và người cha bất lực. Trong ngôi nhà ngoại ô này tồn tại những bi kịch nhỏ lẻ: bà mẹ khắt khe ra sức cấm cản những cô con gái tuổi mới lớn, luôn nghĩ rằng tình yêu bà dành cho những đứa con là đúng đắn, ông bố bạc nhược không dám nhiều lời, đến nỗi hoá điên mà trò chuyện với cỏ cây trong giờ giải lao giữa buổi dạy, những cô con gái tuổi dậy thì bị kiềm kẹp quá mức, lúc nào cũng trong trạng thái u hoài, chực bùng nổ.
Lux Lisbon, cô gái hoàn hảo nhất trong số 5 chị em là điểm nhấn chính trong bộ phim đầu tay của Sofia (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jeffrey Eugenides). Kirsten Dunst hút hồn người xem với vai Lux, biểu tượng cho sự ngây thơ của những cô gái trẻ tóc vàng sống ven vùng ngoại ô, và là hiện thân của nhục cảm đàn bà trong mắt những cậu con trai mới lớn. Giống như Sue Lyon trong bộ phim Lolita của đạo diễn Stanley Kubrick, với thỏi lollipop và cặp kính hình trái tim, nàng Dunst đã biến mọi cử chỉ, ánh nhìn, biểu đạt hình thể của Lux thành những ngọn triều dục tính không thể cưỡng lại.
Cuốn tiểu thuyết của Eugenides giống như một giấc mơ ban ngày, kể về một câu chuyện hồ như không có thật. Người kể xưng “chúng tôi” – một đại từ chung số nhiều – điểm nhìn khách quan từ những cậu con trai nhà bên luôn dõi theo 5 cô gái từ chiếc ống nhòm dài thõng. Cái kết của câu chuyện bi thảm nằm ngay câu mở đầu. Và số phận của chị em gái nhà Lisbon âm vang như một giai thoại đầy bí ẩn râm ran trong khu vực ngoại ô hiếm khi biến động.
Để kể về một câu chuyện nhuốm màu giai thoại, Coppola không mang đến một cốt truyện rõ ràng hay những nhân vật đặc biệt nổi trội. Nữ đạo diễn đã kể lại tấn bi kịch thông qua tâm trạng của nhân vật, tinh thần u buồn trong ngôi nhà 7 người ven đô – hình ảnh đồng vọng của những đứa trẻ vị thành niên lúc nào cũng buồn bã.
Coppola đã xuất sắc thổi hồn vào câu chuyện ám ảnh tưởng như không thể nào được kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh, mà chỉ có thể cảm nhận qua câu chữ của tiểu thuyết. Sofia Coppola đã dập tan mọi nghi ngờ mà khán giả lẫn giới chuyên môn đặt ra cho mình trước khi bộ phim bấm máy. Cô là con gái của một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất thế giới – Francis Ford Coppola, đạo diễn của nhiều bộ phim kinh điển. Cô còn là vợ cũ của Spike Zone, cũng là một đạo diễn tiếng tăm trong làng điện ảnh. Không để cho nền tảng gia đình làm khuất mờ vị trí của chính bản thân, cô đã khẳng định tài năng của mình bằng rất nhiều tác phẩm có giá trị. Nói về Sofia là nói tới một thứ điện ảnh không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật thỏa mãn những thể nghiệm của nghề nghiệp cá nhân mà còn chan chứa một tinh thần nhân văn, tôn vinh cái đẹp từ những điều tưởng chừng bình dị và nhỏ bé nhất. Đối với Virgin Suicides, Sofia đã gián tiếp nêu bật ngôn ngữ điện ảnh của mình: phim không chỉ là bề mặt về hình ảnh, mà còn là tầng sâu của cảm xúc. Một bộ phim đẹp nhưng không có cảm xúc là một bộ phim vô hồn, và đương nhiên, vô nghĩa. Đau khổ, thù ghét, tuyệt vọng, bất mãn, khêu gợi… là những cảm xúc hoà trộn được Sofia điện ảnh hoá tài tình và điêu luyện thành những khung hình tuyệt đẹp trong Virgin Suicides, rất nên thơ, nhưng đi hết cái nên thơ sẽ gặp ngay cái cùng cực.
Virgin Suicides là một bộ phim tuyệt vọng. Nó không dễ xem và để lại cho khán giả một cảm giác nặng nề. Sự nặng nề đến từ một nan đề khá phổ biến vào những năm 70 lúc bấy giờ: xu hướng tự hoại của thanh thiếu niên, vì sức ép từ giai đình, vì sức ép của thời cuộc trong bối cảnh nước Mỹ đang chịu nhiều khủng hoảng. Trong bất kì sự chuyển mình nào của thời thế, thanh thiếu niên luôn là những kẻ hoang man nhất. Chắc hẳn bất kì phụ huynh nào cũng quan ngại về bộ phim này, rằng Sofia đang lãng mạn hoá cái chết, và xem cái chết là một lời đáp trả mạnh mẽ của những cô cậu thiếu niên với những ông bố bà mẹ hà khắc.
Cuộc sống trong Virgin Suicides dù là góc nhìn về hiện thực cay nghiệt với nhiều lo toan, chán nản, nỗi buồn vây hãm nhưng vẫn rất đẹp. Cái đẹp tồn tại bền bỉ, âm thầm trong chính nỗi buồn hay sự cô đơn. Màu sắc, hình ảnh, cảm xúc và âm thanh quyện lại với nhau tạo thành một bản hoà tấu trọn vẹn. Bản “Playground Love” của ban nhạc Anh quốc Air như thôi miên khán giả với giai điệu gây nhiều ám ảnh. Mỗi cảnh quay đều mang màu nâu vàng cũ kĩ, như một quyển album ảnh thất lạc lâu ngày trong kho. Edward Lachman, đạo diễn hình ảnh của Virgin Suicides đã sử dụng tông màu sáng mơ màng như một màn sương mỏng nhẹ để diễn đạt sắc phơn phớt đặc trưng của những năm 70. Tông màu sáng mờ của Edward càng nhấn mạnh thêm sắc thái tối tăm tuyệt vọng bao trùm cả bộ phim.
Theo một cách nào đó, những cô con gái nhà Lisbon và cả những cậu trai nhà bên chưa bao giờ tồn tại. Hoặc giả, họ chỉ tồn tại trong thời dậy thì của nhau, là sản phẩm của trí tưởng tượng thuở mới lớn. “Cecilia là đứa đầu tiên ra đi”. Giọng người tự thuật kể chúng ta nghe về cái chết của Cecilia ngay đầu phim. Khán giả thấy cô bé ngồi trò chuyện với bác sĩ tâm lý sau những nỗ lực tự tử bằng cách cắt cổ tay. Gã nói với cô bé: “Con còn chưa đủ lớn để biết cuộc sống khó khăn thế nào đâu.” “Tất nhiên, thưa bác sĩ. Còn bác thì chưa bao giờ là một cô bé 13 tuổi cả.” Cô trả lời. Khoảng cách giữa các thế hệ là một điều khó tránh khỏi. Nhưng có một điều mà Cecilia, Lux, cả ông bố, bà mẹ, các chị em còn lại, và cả vị bác sĩ tâm lý đều giống nhau, đó là ai cũng đang chịu đựng một nỗi thống khổ và không ngừng kiếm tìm một thứ hạnh phúc mơ hồ trong cuộc sống.