Thế giới nửa sau thế kỉ 20 đầy rẫy những vấn đề: chiến tranh Việt Nam, xung đột giữa người Ả Rập và Do Thái, chế độ nô lệ da đen chưa bị xóa bỏ hoàn toàn, chiến tranh lạnh… Chính thế đã sản sinh ra một thế hệ lạc lõng, không có niềm tin vào chính quyền, vào những cuộc chiến tranh được rao giảng đầy đạo đức giả, không có chỗ đứng để tự khẳng định mình, không hòa hợp với thế hệ cũ của bố mẹ, cha ông với những luân lý đạo đức cũ rích về hạnh phúc, về tình yêu, tình dục. Họ bối rối và bất an. Họ trốn lính, thù ghét chính trị, bỏ gia đình, bối rối với những lựa chọn cho tương lai… Họ, được đúc rút lại qua 6 chân dung, 3 nam, 3 nữ, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cùng gặp nhau tại địa điểm ăn chơi số 1 của tuổi trẻ Torremolios – Tây Ban Nha. Mỗi người một số phận, một cuộc đời, nhưng cùng đi trên một cuộc hành trình, khám phá thế giới, khám phá chính bản thân mình, để thấu hiểu hơn những vấn đề đang tồn tại ở khắp nơi, để tìm con đường đi cho mình. Có người tìm được, có người không, nhưng đó là một hành trình “phải đi” của họ, của tất cả chúng ta.

Quyển sách được chia thành hai tập lớn. Tập 1 bao gồm 6 phần giới thiệu về từng người một trong nhóm du hành. Joe – anh thanh niên người Mỹ chán ghét chiến tranh và coi cuộc chiến ở Việt Nam của Mỹ là vô nghĩa; Britta, cô gái người Na Uy vô cùng xinh đẹp nhưng không thể chịu được cuộc sống buồn tẻ không bao giờ có mặt trời ở xứ sở cô sống, cùng với một người cha nhu nhược lúc nào cũng mơ tưởng về Ceylon nhưng không bao giờ đến đó; Monica, 17 tuổi, sống với người cha từng đại diện cho chính quyền Anh tại một đất nước châu Phi, cho đến khi người da đen muốn tự định đoạt số phận mình và đuổi ông về nước. Mạnh mẽ, cá tính và thiếu sự quan tâm của cha, cô cũng khinh ghét người da đen đã sỉ nhục cha mình; Cato, một thanh niên thông minh da đen người Mỹ, do xung đột tôn giáo với người da trắng đã phải trốn khỏi nước Mỹ với một tâm trạng đầy những suy tư xung quanh vấn đề về sắc tộc và tôn giáo; Yigal, gã trai Do Thái có ba quốc tịch Mỹ, Israel, Anh, đang bối rối không biết sẽ phải chọn quốc tịch nào để mang cả đời khi tuổi 21 – tuổi phải quyết định mình là người nước nào sắp đến; và Gretchen, cô gái người Mỹ gốc Đức, một cô sinh viên nhiệt huyết với chính trị nhưng lại bị chính hệ thống chính quyền, cảnh sát làm nhục và từ đó mang trong mình vết thương tinh thần quá lớn nên đã quyết định lên đường trốn thực tại để giải tỏa lòng mình. Họ trên chiếc xe Pop-Top vàng, một dạng xe khách nhỏ, dành cho dân du lịch bụi cùng với người kể chuyện, một ông già hơn 60 tuổi với đầy đặc tính của thế hệ cũ, nhưng luôn sẵn sàng lắng nghe, trải nghiệm và học hỏi từ tuổi trẻ đã đi qua nhiều nơi khác nhau, trải qua nhiều sự kiện, cùng chìm đắm trong những cuộc tranh luận hăng say về cuộc đời, đã làm đầy tập 2 của quyển sách bằng sự thú vị, thi vị và đầy ắp những hình ảnh và tư tưởng hiện sinh dành cho tuổi trẻ mọi thế hệ.

Đặc biệt là thế hệ chúng ta, những thanh niên ở một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, đang phát triển, đang cần nhân tài nhưng bên cạnh đó lại không coi trọng nhân tài, một đất nước đầy truyền thống nhưng văn hóa đang bị pha tạp và bị lai căng nuốt chửng đi nhiều, một đất nước còn bảo thủ về tư tưởng khiến sự cấp tiến trong suy nghĩ của tuổi trẻ là điều khó chấp nhận. Chính vì vậy, tôi tìm thấy trong quyển sách một sự đồng cảm sâu sắc, một cái vỗ vai chí tình đầy cảm thông nhưng không thiếu những lời cảnh báo của tác giả. Một tác phẩm thực sự thấu hiểu giới trẻ, nó cho ta cái nhìn đa diện về thế giới, đời sống và thấy được vì sao chúng ta đang vật vã và chấp chới trong cuộc đời, nhiều người chìm đắm và chìm nghỉm, nhiều người chìm đắm và phải rất lâu lâu nữa mới thoát ra và tìm được con đường của mình. 6 người đó đại diện cho những nhóm thanh niên mà người lớn, thế hệ khác nhìn vào sẽ cho rằng vô dụng, bất tài, không có chí hướng, thiếu lý trí, thiếu lý tưởng, tự phá hỏng cuộc đời mình, và chắc chắn chẳng làm được trò trống gì. Nhưng với sự thấu đáo trong cảm thông và thấu hiểu, tác phẩm cho ta thấy tác giả có một cái nhìn bao dung về nhóm thanh niên này. Đối với ông, đây mới là những kẻ có thể làm lên sự xuất chúng trong xã hội, họ mới là những người có thể leo lên những đỉnh cao của sáng tạo, của nghệ thuật và mang trong mình tầm ảnh hưởng to lớn đến thế giới. Họ trái ngược hẳn với nhóm còn lại, đi theo những luân lý đạo đức thông thường, làm theo lời cha mẹ, đi học, đi làm bác sĩ, kĩ sư… để làm giàu cho đất nước. Họ không làm được gì cho đến khi họ hiểu bản thân họ muốn gì. Họ không nghe theo lý trí thuần túy. Họ đi theo cái mớ cảm xúc bồng bột và xốc nổi. Họ phải đẩy họ vào những thứ mà họ cho là trải nghiệm, như ma túy, tình dục, khám phá những vùng đất mới, đương đầu với thần chết để tìm ra chính mình, để nó giống như họ chợt tìm thấy một điểm tựa để tự bật nảy mình lên cao vợi. Nhưng đó là con dao hai lưỡi. Trong 100 kẻ như vậy chỉ có vài phần trăm là thành công.

Họ cùng nhau gặp gỡ tình cờ, không phải cùng chí hướng vì chẳng ai có chí hướng. Họ chỉ đồng cảm ở cảnh ngộ của mình và tìm được người thích hợp để nói chuyên trao đổi. Torremolinos là thiên đường du lịch giá rẻ của sự nông nổi. Mỗi tour du lịch kéo dài 14 ngày, nhiều người muốn ở lại nhưng thế thì phải kiếm được việc làm, mà luôn luôn có hàng nghìn người đi tìm việc nên việc làm để ở lại là điều không thể. Và họ gặp nhau, giúp đỡ nhau về công việc và chỗ ăn ở như duyên trời định ở đó. Rồi cùng nhau họ đi Algarve ở Bồ Đào Nha rồi lên Pamplona để hòa vào lễ hội đua bò vô cùng nổi tiếng diễn ra vào tháng bảy nơi họ gặp Holt – một kĩ thuật viên dạn dày kinh nghiệm về cuộc đời, sau đó họ đi sang châu Phi đến Mocambique và điểm đến cuối cùng là một thành phố Ả Rập tại Maroc Marrakech. Trên hành trình đó, mỗi người tự bộc lộ cá tính và vấn đề của mình, mỗi người có những cách giải quyết vấn đề của mình riêng. Họ yêu nhau, rồi tách nhau yêu người khác. Họ trải nghiệm với thuốc phiện, cần sa. Nhưng trong số đó, cô bé Monica, đứa con gái của một người Anh nổi tiếng được nhiều người biết đến (vì thuộc địa Anh rộng khắp) là người mỏng manh và dễ thương tổn nhất. Cô yêu anh thanh niên da đen Cato, nhưng trong tình yêu đó chứa đựng thù hằn những kẻ da đen đã đuổi cha cô khỏi vị trí mà ông đã dành tâm sức cả đời. 17 tuổi, trốn cha – một người cha không bao giờ có mặt khi cô cần – để bỏ đến Torremolinos. Trong cô là cả một sự vụn vỡ lớn không thể hằn gắn, chính thế nên cơn nghiện của cô trở nên thường xuyên và nuốt chửng lấy cô một cách không thương tiếc. Cô nghiện thêm Heroine, nghiện tình dục, làm những điều ngu ngốc để tự gây tổn thương cho mình và người thân. Monica là một mắt xích yếu cho thế hệ thanh niên mới, những kẻ không chịu ngồi yên và nghe lời, những kẻ sống bằng bản năng đầy vị kỉ, và nếu không có điều gì đó kịp thời xảy ra để dừng họ lại thì họ sẽ tự giết mình.

into-the-wild-sean-penn-axel-scoffier

Viết về hành trình, những cuốn du kí đầy rẫy nhưng thực sự lột tả được vẻ đẹp của nơi đó, làm nó sống động, làm nó như một thực thể có những điều tuyệt vời cũng như những thứ cặn xấu xí ở mặt khác là điều khó. Những thành phố qua những con chữ của nhà văn đã thực sự khiến người ta tò mò, khiến người ta rung động và cảm thấy như chính mình đang ở đó, đang chạy trước đàn bò ở Pamplona, đang ở trên quảng trường chính tại thành phố Marrakech xem những đoàn xiếc rong biểu diễn tiết mục của mình. Cái thực sự khiến nó sống động đó là nhân vật “tôi” – một nhà tư vấn đầu tư cho một tập đoàn chuyên đầu tư tài chính ở khắp nơi trên thế giới là một người quen biết rộng để mỗi nơi ông đến ông đều tạo được mối quan hệ tốt với một người thực sự nắm rõ thành phố đó. Do đó, hành trình của 6 người bạn, được tiếp dẫn thêm bằng sự hướng dẫn và chỉ dẫn của “ma xó” ở nơi họ đến, họ không còn du lịch một cách đơn thuần mà họ thực sự đã và đang sống tại nơi họ đến. Holt ở Pamplona, thằng bé Ả Rập gian xảo, khôn ranh Jemail ở Marrakech… mỗi nhân vật phụ đó giống như cầu nối, kết lại những hoạt động của nơi họ ở, để làm nổi bật lên thành phố nó sống động và tự do như một thực thể sống.

Tuổi trẻ, giống như một kẻ ăn bám và dường như luôn là kẻ ăn bám. Chúng bám vào những thứ hiện sinh như cái tôi, cá tính, sự xung đột thế hệ, chính trị thối nát để rũ bỏ đi những luân lý đạo đức thường nhật. Chúng đi theo bản năng và làm những việc điên rồ, thứ mà chúng cho rằng là con đường đúng đắn để tận hưởng cuộc sống, đúng đắn cho số phận của một con người được sinh ra cần phải hiểu rõ về bản thể mình hơn là đi theo những guồng máy sắp sẵn do người khác sắp đặt. Nhưng cái điều khiến cho họ, 6 người bạn trẻ ấy, không chỉ là những kẻ ham vui, nhàm chán và thích tận hưởng, đó là khả năng nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc, sự xét đoán hoàn cảnh xã hội tinh tế, và khả năng tranh biện để bảo vệ chính kiến vô cùng sắc sảo. Họ đại diện cho những thanh niên thông minh nếu đi theo con đường chính thống sẽ trở thành những con người tài năng trên mọi lĩnh vực đời sống. Sự đối lập ở họ giữa cái bề ngoài và khả năng suy nghĩ bên trong mang đến hành trình đó những câu chuyện thú vị. Qua những câu chuyện tác giả đã đưa ta đến hiện thực đời sống khi đó, đến tâm lý và những kiềm tỏa của xã hội dành cho người trẻ.

Hành trình nào rồi cũng kết thúc, có người kết thúc buồn, có người vui, nhưng tựu chung lại, kết thúc của một hành trình là cánh cửa để mở ra hành trình khác. Sự trải nghiệm là quá trình tích lũy, ta đi khắp thế giới cũng chỉ đơn giản là kết thúc một hướng để bắt đầu hướng khác. Ta cứ đi mãi, theo những hành trình khác nhau để tìm kiếm định nghĩa về sự trưởng thành cho mình. Joe vẫn tiếp tục lẩn trốn nghĩa vụ quân sự để đi tiếp. Britta chọn được nơi trốn cho mình, người đàn ông của mình, người cho cô ánh nắng mặt trời và đưa cô đến vùng đất mà cha cô đã vẫn luôn mơ ước. Yigal đã có quyết định về tấm hộ chiếu mình sẽ mang. Cato đã hiểu hơn về vấn đề người da đen, về xung đột tôn giáo về con đường mình theo để chiến đấu dành lại sự tự do và công bằng cho người da đen ở Mỹ. Gretchen, cô gái thông minh, chăm chỉ đã cuối cùng tìm được đề tài xã hội để làm nghiên cứu để tiếp tục con đường học vấn của mình. Còn Monica, cô gái thông minh và sắc xảo nhưng lại quá nông cạn để trưởng thành, Monica, tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, cô đại diện cho những mắt xích yếu nhất của thế hệ thanh niên, một mắt xích không kiềm chế được bản thân, không hiểu bản thân, quá nhiều hằn học, quá nhiều đam mê. Monica là một nốt nhạc buồn xuyên thấu cả câu chuyện. Cô ấy, là mặt trái đáng buồn của những người trẻ tuổi đang đi tìm kiếm bản thân mình. Cô ấy luôn tìm cách làm tổn thương người khác, nhưng đó lại là người đáng thương nhất, là nhân vật tôi yêu quý nhất.

Hành trình của họ, chính là hành trình của tôi. Tôi tham chiếu vào đó, những bức chân dung đó để hình dung con đường cho mình, con đường của một thanh niên 27 tuổi đang chấp chới trong cuộc đời với đam mê, công việc, tình yêu và gia đình. Tôi đang lạc lõng, lạc lối, vẫn dò dẫm trong bóng đêm để tìm được thứ ánh sáng sẽ mặc khải cho tôi tìm ra được cuối cùng tôi phải làm gì. James A.Michener đã kể một câu chuyện quá tuyệt vời. Ông như đang ngồi kể cho tôi, ông nói cho tôi nghe thế nào là tuổi trẻ, thế nào là hiện sinh, thế nào là dấn thân, là đi tìm bản thể mình, để tôi hiểu hơn về bản chất của sự ích kỉ, cũng như sự lạc lõng thường trực, và có thể một lúc nào đó, tôi sẽ hiểu ra tôi cần làm gì, những người như tôi cần làm gì cho sự tồn tại của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Facebook Comments Box

Comment