Đối với tôi năm 2014 là một năm thành công của điện ảnh thế giới cả về dòng phim thương mại giải trí, lẫn phim nghệ thuật, cũng vậy trong mỗi thể loại phim tôi đều có thể tìm cho mình một phim ưng ý. Chính lẽ đó, việc lựa chọn duy nhất 10 phim hay nhất cho năm 2014 tôi thấy thật thiếu sót và bất công cho nhiều phim khác cũng đáng được cất lên tiếng nói của mình. Những ngày cuối cùng của năm sắp qua, tất cả những tờ báo lớn, những chuyên trang điện ảnh bắt đầu kết thúc năm 2014 bằng những bộ phim mà giới phê bình của những tờ báo đó bình chọn, còn tôi, dù khả năng về mặt thời gian không cho phép, công với tuổi trẻ ham chơi tôi không thể bao quát hết tất cả những bộ phim trong năm qua, tôi cũng xin bình chọn cho mình những phim tôi thấy ấn tượng nhất. Và như tôi đã nói ở trên, để tránh thiếu sót và bất công cho tất cả những phim tôi đã dành thời gian xem, tôi sẽ lập thành hai danh sách phim hay khác nhau.

Ở bài viết này, tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình về 10 bộ phim thương mại, giải trí hay nhất. Tiêu chí của phim nằm ở các thể loại hành động, kinh dị, khoa học viễn tưởng, những phim của Hollywood thuộc sự sản xuất của các ông lớn. Để có hình dung cụ thể hơn, những phim như Gone Girl hay Nightcrawler, mặc dù được sản xuất bởi những đạo diễn có những tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật xuất sắc, và được nhiều nhà phê bình gọi là Auteur nhưng đối với tôi, những tác phẩm đó vẫn nên xếp vào dòng phim giải trí mang tính nghệ thuật cao chứ không phải những phim độc lập và tiên phong độc lập (avant garde).

1. Interstellar:

Christopher Nolan là một đạo diễn gây ấn tượng mạnh cho giới phê bình cả về mặt tích cực và tiêu cực. Nhiều bài viết phân tích liệu ông đã được gọi là auteur chưa? Hay ông vẫn chỉ là một nhà làm phim giỏi có cá tính nhưng không có cái chất riêng mà mỗi tác phẩm đóng dấu tên ông như một thương hiệu riêng, đặc sắc, nghệ thuật và mang phong cách thuần nhất? Có lẽ vì ông chọn hướng đi làm phim thương mại bom tấn cho các hãng lớn để thoả mãn sự sáng tạo của mình mà không bị giới hạn về mặt vật chất đã khiến nhiều người đánh giá không cao con đường phát triển sự nghiệp điện ảnh của Nolan. Nhưng với một tác giả lớn, một người có sức sáng tạo sung mãn, công với sự hợp tác thông minh và gắn bó của em trai ông Jonathan Nolan trong việc xây dựng từng kịch bản phim đã luôn giúp cho Nolan tạo ra những tác phẩm đỉnh cao.

Interstellar là một tác phẩm như vậy. Kể một câu chuyện du hành xuyên không gian về thời gian bằng sự táo bạo, quyết đoán nhưng đầy tình yêu thương. Nolan đã đưa vào lịch sử điện ảnh, một bộ phim hoàn toàn xứng đáng kế thừa tác phẩm kinh điển 2001: A Space Odeyssey của đạo diễn bậc thầy Stanley Kubrick.

Rating 10/10 – Review phim: Interstellar – Bản vĩ thanh về tình yêu

2. Predestination:

Đây có thể liệt kê vào danh sách phim độc lập của 2014, tuy nhiên, nếu ở trong danh sách đó thì bộ phim sẽ không thể lọt vào top 10, tuy nhiên, về mặt phim thương mại giải trí với thể loại hành động, khoa học viễn tưởng thì Predestination hoàn toàn xứng đáng được xướng tên. Dựa vào truyện ngắn độc đáo All You Zombies của nhà văn Robert A. Heinlein. Đạo diễn người Úc anh em nhà Spierig đã xây dựng một câu chuyện ấn tượng, đầy bất ngờ, thổi tung bất cứ bộ não nào khi xem nó. Có nhiều cách để định giá một bộ phim hay hay dở, một trong chúng là việc nhìn vào twist mà đạo diễn cài cắm trong cả bộ phim. Nếu Gone Girl cũng có một cấu trúc đầy bất ngờ, nhưng lại bị đuối sức ở cuối và tạo nên những plothole rất đáng tiếc thì Predestination lại làm đầy tất cả những lỗ hổng và khởi tạo sự hoang mang cho những cứ xoay phim vô cùng ấn tượng.

Rating 8/10

3. The Raid 2:

Sau tiếng vang của The Raid: Redemption vào năm 1011, điện ảnh Indonesia lại tiếp tục làm phần 2 The Raid: Berandal. Phần một mang lại một cảm giác ngột thở vì những cảnh hành động được sắp xếp liên hoàn, không ngừng nghỉ, hình ảnh bạo lực, đẫm máu và không khoan nhượng, kịch bản chặt chẽ cuốn khán giả chìm trong một không gian hẹp, nội cảnh với đầy những ám ảnh của thế giới tội ác và sự thua thiệt của chính cảnh sát.

Sang phần hai, câu chuyện được làm chậm lại, đi sâu vào đối phó tâm lý và những đòn miếng của sự nham hiểm và mang màu sắc chính trị được bộc lộ rõ hơn. Câu chuyện về cớm bẩn, cớm chìm được xây dựng theo phong cách phim Hong Kong. Bên cạnh đó, hành động và võ thuật vốn là điểm rất mạnh của phần 1 tiếp tục được sử lý tốt ở phần hai. Nhân vật chính Rama (một trong vài cảnh sát hiếm hoi còn sống sót ở phần 1) do Iko Uwais thủ vai tiếp tục là trung tâm của câu chuyện xâm nhập và thế giới ngầm Indo nơi sự kiểm soát và tranh giành có phần của mafia Nhật và Trung Quốc. Chính vì thế bộ phim vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn, đạo diễn kiêm biên kịch Gareth Evans đã không hề bị non tay sau phần 1 quá thành công như vậy.

Rating: 7/10

4. X-men: Days of Future Past

Tinh thần của hạng mục phim giải trí phải đặt mục tiêu giải trí lên hàng đâu, thứ đến ta sẽ đi thêm vào câu chuyện, cách các sự kiện xâu chuỗi nhau, những plothole như nào thì chấp nhận được, và những xây dựng có bị xây dựng quá vội vàng để rồi để lại sự hụt hẫng vì cảm giác hụt hơi. Tác phẩm mới nhất trong trilogy X-Men prequel đã làm được tất cả những điều đó, nó khiến cho tinh thần giải trí của người xem được hoàn toàn thả tự do, đắm mình vào thế giới của những người Dị Biến/ Superheros của Marvel. Hạn chế tối đa hành động, đưa vào câu chuyện chiều sâu, xây dựng nhân vật đưa vào họ những tính cách điển hình thứ mà đã định hình lại những giáo sư X, Magneto khi về già. Vẫn dùng Logan – Người Sói làm trung tâm, Bryan Singer đưa chúng ta về quá khứ để cứu rỗi hiện tại đang bị tàn phá bởi Sentinels, một loại robot ban đầu được tạo ra với mục đích truy đuổi những kẻ đột biến, nhưng với trí thông minh nhân tạo chúng đã ngày càng hoàn thiện và quay sang tiêu diệt chính loài người. Điềm tĩnh, cẩn thân, và cân nhắc, Bryan Singer đưa ta gặp lại những người “cũ” trong X-Men trilogy bộ trước, và tham gia cùng chính bản thể họ khi họ còn trẻ để cứu chuộc loài người.

Những trường đoạn rất hấp dẫn của Quicksilver, sự đấu tranh nội tâm của giáo sư X khi bản thân vụn vỡ nhất, và mối quan hệ tay ba giữa Mystique, giáo sư X và Magneto đã khiến tôi khá thích bộ phim này.

Rating 7/10

5. Edge of Tomorrow:

Giống những nhân vật được xây dựng strong game, mỗi khi nhiệm vụ thất bại, bối cảnh sẽ được reset, câu chuyện được kể lại từ đầu, tuy nhiên có điểm khác là những gì mà nhân vật đã làm được trong lần trước sẽ được lưu vào bộ nhớ của chính nhân vật đó (hay người chơi game) để nhân vật tự hoàn thiện mình cho cùng một nhiệm vụ chưa hoàn thành. Edge of Tomorrow được xây dựng gần như vậy, khi trái đất sắp bị rơi vào tuyệt diệt vì sự tấn công của người ngoài hành tinh, cơ hội duy nhất để lật ngược tình thế được đặt lên vai thiếu tá lục quân William Cage, một người do vô tình có thể reset lại thời gian nếu anh bị giết trên chiến trận. Bộ phim không chỉ gợi nhắc đến game, nó còn nhắc đến bộ phim hài lãng mạn tình cảm của Bill Murray Groundhog Dog, khi ông không thể thoát khỏi ngày “chuột chũi” để đi tiếp trên hành trình cuộc đời cho đến khi phải tìm thấy tình yêu thực sự cho mình. Câu chuyện của Edge of Tomorrow có thể cho ta cảm giác cliché, tuy nhiên, câu chuyện lại được xây dựng rất tốt, thú vị hài hước và mang tính giải trí cao. Đặc biệt là Emily Blunt đã có một sự hoá thân tuyệt vời, một chiến binh nữ gợi cảm, quả cảm, và biết yêu. Cái hay của bộ phim là không để tình tiết bị kéo dài, không có những màn lãng mạn hời hợt vô duyên câu khách, không cố tình tạo kịch tính để ta thấy vô vị. Đạo điễn Doug Liman quả đã không hổ danh là người làm ra bộ trilogy về điệp viên Bourne.

Rating 7/10.

6. Nightcrawler:

Lỗi duy nhất của bộ phim là cái nhìn của Louis Bloom (Jake Gyllenhaal) ở cuối phim, nó khiến một nhân vật được đạo diễn dày công xây dựng với tính cách quyết đoán, mạnh mẽ, sẵn sàng lao theo điều mình tin mình có thể làm được, tự tin đến ghê sợ, và vô tình tuyệt đối. Một mẫu đàn ông của sự thành đạt, một kẻ có khả năng lập kế hoạch và thực hiện đúng kế hoạch mà mình đặt ra. Cùng với Gone Girl, Nightcrawler là bộ phim thứ hai trong năm nói về nghề báo, đặc biệt là báo truyền hình. Bộ phim đi sâu vào cách thức tin tức được khai thác để thu hút dư luận, lôi kéo rating cho từng show, từng tin được đưa lên. Những áp lực dành cho nhà sản xuất và những kẻ tham gia vào bộ máy đó. Jake Gyllenhaal luôn là một diễn viên quyến rũ và có sức diễn vô cùng mạnh mẽ, đôi mắt bí ẩn, vẻ tự tin đến khó tả, cùng với sự nguy hiểm tột cùng qua nụ cười. Nightcrawler có cách xây dựng câu chuyện tốt, sự căng thẳng được kéo căng dần về cuối, bối cảnh ban đêm là chính khiến bộ phim càng thêm ly kì và mang dáng dấp của một phim tội phạm với kịch tính đôi khi được tăng cao và rồi đột nhiên thả lỏng, tạo cảm giác kích thích với khá nhiều bất ngờ. Trong sự nghiệp của Dan Rilroy, tôi rất thích tác phẩm The Fall, một câu chuyện mang hơi hướng thần thoại, với hiệu ứng hình ảnh vô cùng ấn tượng. Nightcrawler phần nào cũng làm được điều gì đó cho phần hình ảnh với sự giúp sức của Robert Elswit (There Will be blood, Magnolia).

Rating: 6.5/10

7. Kenshin: Kyoto Inferno:

Dựa theo manga rất ăn khách về kiếm sĩ lãng tử mang thanh kiếm lưỡi ngược (Samourai X) của Nobuhiro Watsuki. Kenshin hoả ngục Kyoto là phần 2 trong trilogy về nhân vật này được xây dựng bởi Keishi Ohtomo. Takeru Satô luôn là một sự lựa chọn khiến tôi có đôi chút lăn tăn, vì bản thân nhân vật trong câu chuyện tiếp theo phần một đã ở một độ tuổi chín chắn và già dặn, nhưng khuôn mặt của Takeru lại rất trẻ, có phần trẻ con và thiếu trải nghiệm. Tuy nhiên, cách diễn của anh đã phần nào giúp ta bỏ qua tuổi đời của mình. Cuộc đời không đơn giản như Kenshin muốn, anh chỉ muốn gác kiếm, cùng xây dựng một nước Nhật trong kỉ nguyên mới an bình và hạnh phúc, nhưng đời không dễ vậy. Anh lại tiếp tục được chính quyền mới kêu gọi sự giúp đỡ nhằm tiêu diệt kẻ điên rồ Shishio (Tatsuya Fujiwara) đang xây dựng quân đội để lật đổ chính quyền và tiêu diệt bất kì ai chống lại. Trái với những trilogy thông thường, mỗi tập phim sẽ kết thúc độc lập và để ngỏ một phần câu chuyện cho tập tiếp theo. Hai phần sau bao gồm Kyoto Inferno và The world ends được gắn kết thành một mạch, nên sau khi xem xong Inferno ta sẽ cảm thấy hẫng hụt vì hết phim dở chừng.

Giống như phần 1, phần hai được chăm chút rất kĩ ở khâu dàn dựng võ thuật, những cảnh quay từ trên xuống trong các trận đánh của Kenshin rất hấp dẫn và đẹp mắt, đấu kiếm và kungfu được lồng vào nhau, bộ phim từ đó đưa ra vào câu chuyện mang dáng dấp của những lãng tử giang hồ trong các bộ truyên kiếm hiệp Trung Quốc, tuy nhiên với bối cảnh rất nên thơ của Nhật. Nhân vật Shishio được xây dựng rất tới, sự độc ác, tàn nhẫn, tư tưởng trả thù. Quả là một sự dụng công khi Tatsuya, một diễn viên rất được ưa thích lại phải mang mặt nạ cả phim để thể hiện ý đồ của nhân vật.

Rating: 7/10

8. Lego movie

Đây hẳn là bộ phim hoạt hình hay nhất 2014. Hầu như trong tuổi thơ, mọi đứa trẻ đều biết đến lego và chơi trò chơi đó. Chúng xây dựng nhân vật theo trí tưởng tượng, đặt tên cho chúng, để rồi những câu chuyện thành hình được những đứa trẻ kể bằng sự sáng tạo không tưởng. Lego movie bắt đầu bằng suy nghĩ đó. Câu chuyện phim tất nhiên đầy cliché, những cú xoay chuyển đầy cổ điển và dễ đoán. Nhưng cái được nhất mà bộ phim mang lại đó là hiệu ứng tạo hoài niệm, xây dựng lên một thế giới nguyên sơ, trẻ con và sáng tạo. Những nhân vật Lego không còn im lặng trong giọng kể của đứa trẻ nữa, chúng sống, chúng có cuộc đời riêng, và chúng chiến đấu cho tình yêu, cho sự ra đời của chính mình, cho sự nhàm chán và cho cuộc sống.

Rating: 7.5/10.

9. Begin Again:

“Can a song save your life” là tiêu đề mà đạo diễn John Carney đã định đặt cho bộ phim, tiêu đề đấy cũng đủ để làm một dòng tagline cho Begin Again. Câu chuyện không có gì mới, những pha tình cờ kinh điển để kết nối câu chuyện, một nhà sản xuất âm nhạc thất thế bị gia đình xa lánh, một cô gái mê sáng tác và hát mới bị người yêu là một gã nghệ sĩ danh tiếng bỏ rơi. Họ gặp nhau, họ tìm thấy sự đồng diệu trong nhau bằng âm nhạc. Và họ quyết định kết hợp với nhau, với sự trợ giúp của những người nghệ sĩ đường phố để hoàn thành một album nhạc cho cô gái. John Carney đã có được danh tiếng của mình qua bộ phim Once (2006). Ông đã thể hiện mình đặc biệt nhạy cảm với âm nhạc, chất nghệ sĩ Ai Len đầy ắp, chỉ có điều Begin Again không phải là một câu chuyện đặc biệt, nó không thoát khói cái bóng của Once với bối cảnh dàn dựng, cách sắp xếp bối cảnh gần giống như Once. Chỉ có âm nhạc bù đắp được và tạo cho nó có chỗ đứng, cũng như độ hấp dẫn nhất định. Đây là một tác phẩm thất bại về mặt sự nghiệp của John, đối với tôi là vậy..

Rating 6/10

10. The Babadook:

Phim kinh dị là một thể loại dễ làm nhưng khó hay. Doạ người sợ không khó, nhưng để nỗi sợ trở thành ám ảnh và đưa ra một thông điệp nào đó thì không dễ. Đối với tôi, một bộ phim kinh dị hay, là bộ phim đánh được vào tâm lý của người xem, gây ra một nỗi sợ hãi ở tiềm thức. The Babadook làm được điều đó rất tốt. Quả thực đã khá lâu tôi mới lại thấy hứng thú với một phim thuộc thể loại kinh dị như vậy. Bối cảnh hẹp khiến không khí nặng nề. Nhân vật chính là một gia đình chỉ còn lại hai mẹ con do người bố đã bị tai nạn qua đời. Đứa trẻ luôn có biểu hiện tâm lý bất ổn, nhìn thấy những thứ kì quặc trong tưởng tượng và có cách cư xử bạo lực với bạn bè. Bà mẹ bị suy sụp tinh thần, đôi mắt luôn mở to vô hồn. Một ngày, một quyển sách lạ xuất hiện trong nhà họ. Từ đó, thằng bé luôn luôn có thái độ về một cảm nhận nguy hiểm xảy ra cho mẹ. Những hiện tượng siêu nhiên xuất hiện. Đạo diễn Jennifer Kent kiêm biên kịch đã khéo léo phát triển câu chuyện và để lại những câu hỏi lớn cho người xem. Phải chăng trong mỗi con người đều có một con quái vật? Nó nằm bên trong hay bên ngoài? Nó đến từ đâu, từ nỗi đau, hay sự cô đơn? Nó có thật hay không?

Rating: 7.5/10

Comment