Thời điểm Parasite ra mắt, năm 2019, hầu hết người quen của tôi nhận định phim của đạo diễn Bong Joon-ho là đỉnh cao trào phúng đối với đề tài phân hoá giàu nghèo muôn thuở ở xứ Hàn. Người giàu thì đâm ra dễ dãi, còn người nghèo ngộ nhận điều đó với ngu dốt, cho rằng những kẻ sống trong nhung lụa sẽ khờ khạo và dễ bị dắt mũi. Kết cục là một chuỗi đau thương, mà những người nghèo nhiều tội trong vai “chính diện” tự huỷ, hại cả những người giàu vô tội trong vai “phản diện”.

Đối với tôi Parasite chứa nhiều thông điệp giá trị, cài cắm cũng khéo léo để không lấn át tính giải trí. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy kịch bản phim còn một chiều, rõ là theo tính chương hồi không khác gì một vở kịch. Các nhân vật nghèo nhà ông Kim nhờ niềm tin vào “đá thần” mà luôn thuận buồm xuôi gió, còn gia đình nhà ông Park mang tiếng giàu có thế lực, nhưng thiếu thốn cả những dịch vụ đáng tin cậy, đến mức phải đặt lòng tin vào những người xa lạ. Câu chuyện của Parasite vì thế hay nhưng không thuyết phục.

Còn với Burning (2018), tôi sẽ xem như một phiên bản tăm tối hơn, ít chiều chuộng khán giả hơn của Parasite. Nhân vật chính Lee Jong-su (Yoo Ah‑in) là một người trẻ tứ cố vô thân không có sự ổn định, luôn mơ mộng trở thành nhà văn. Shin Hae-mi (Jeon Jong‑seo) là cô bạn thời đi học của Jong-su, tình cờ gặp lại anh trong một phiên chợ. Cô chủ động nhờ Lee Jong-su đến nhà và trông chừng giùm cô một con mèo, vì Hae-mi sắp phải đi Châu Phi. Sau khi từ Châu Phi về, Hae-mi dắt theo một người đàn ông đẹp trai, phong độ tên Ben (Steven Yeun).

Một trong những cảnh phim đẹp nhất khi nhân vật nữ khỏa thân và nhảy trước hoàng hôn

Có phần mở đầu khá mơ mộng, hồi hai pha chút bí ẩn, nhưng mâu thuẫn khốc liệt nhất của Burning chỉ xuất hiện ở nửa sau phim. Trong lúc cao hứng vì phê cần, Ben tiết lộ với Jong-su rằng anh có sở thích là mỗi vài tháng phải đốt một căn nhà kính. Lần này, căn nhà kính tiếp theo sẽ ở rất gần nơi của Jong-su. Ngày hôm sau, Hae-mi bỗng mất tích, và không ai có thể liên lạc được cô ấy.

Nhân vật của Yoo Ah-in đại diện cho nhiều bộ phận giới trẻ Hàn Quốc, khi mang nhiều hoài bão nhưng vô cùng lạc lối. Tôi từng kể câu chuyện về những đứa trẻ trong thời đại mới lớn lên vô cùng hoang mang, khi con rồng cuối cùng đã bị tiêu diệt và thế giới an bình trở lại. Đứng trước việc tự do được lựa chọn mà không còn gặp hiểm nguy gì, thế hệ mới vô cùng lúng túng. Jong-su là người lành tính và lịch sự, nhưng trong lòng anh là sự đố kị to lớn dành cho Ben.

Nhất cử nhất động của Ben, từng ánh mắt và nụ cười mà anh nhà giàu này trao cho Hae-mi, khán giả đều được quan sát theo góc nhìn của chàng trai nhà nghèo. Sự tị nạnh ngầm tựa như ngọn lửa ảo, cháy hoang dại và dữ dội bên trong Jong-su – để đối lập với ngọn lửa ngoài đời thực nhưng chưa ai nhìn thấy của Ben. Trong Parasite, ông Kim hỏi ông Park “Có thương vợ không?”, như một cách chống chế rằng ít nhất tôi nghèo nhưng tôi vì gia đình. Ở Burning, Jong-su hiên ngang nói: “Tôi yêu Hae-mi!” trước mặt Ben, cốt để anh này cảm thấy ghen. Thế nhưng, những gì Jong-su nhận được chỉ là nụ cười mỉa mai. Ben đã chứng tỏ đẳng cấp và đánh bại kẻ địch đáng thương của mình, chỉ bằng sự thờ ơ của người giàu.

Từ khả năng tán tỉnh cho đến việc nhỏ nhặt như đường lúc kẹt xe, Ben dường như luôn ung dung và đi trước Jong-su một bước. Hay ngay từ đầu Jong-su đã là người kể chuyện không đáng tin, và tất cả chỉ là tưởng tượng của anh ta?

Mà Jong-su cũng đâu yêu thương gì Hae-mi? Anh ta giống như kiểu đàn ông luôn nhận mình là trai tốt khi bị từ chối, luôn sống hão huyền trong những kỳ vọng luôn dậm chân tại chỗ. Chính Jong-su cũng chỉ quan tâm đến Hae-mi khi cô nàng đi phẫu thuật và trở nên xinh đẹp hơn. Để khi cảm thấy mình bất lực, Jong-su quay sát miệt thị Hae-mi, nói rằng “Sao cô dễ cởi áo trước mặt đàn ông thế, chỉ có điếm mới làm vậy thôi!”

Trong “Thất lạc cõi người” của Osamu Dazai, nhân vật chính là một thanh niên luôn nghĩ mình đặc biệt và xa rời thế giới, cho đến khi anh ta ăn nằm rồi phải lòng cô gái phòng trà. Dựa đầu bình yên trên chiếc ngực mềm, anh ta thấy mọi quan điểm sống của mình đều bị đánh bại, để rồi phải cảm thán “Tôi bị thương bởi chiếc bông gòn”. Jong-su có lẽ cũng thế, cũng nghĩ ra mình khác biệt vì thế giới đối xử tệ với mình. Để rồi một điều tốt xuất hiện, anh bị sự tị nạnh khống chế và từ chối nó.

Nhắc đến nghèo rồi sẽ nhắc đến đói. Hae-mi không ngại khoả thân, nhiều lần ngực trần nhảy múa và đề cập đến “người đói nhỏ – người đói lớn”. Theo cô, người đói nhỏ là những người nghèo khổ đói ăn về vật chất. Người đói lớn là kẻ “đói” hy vọng, lạc lỏng không biết mình nên làm gì cho đời. Jong-su và Hae-mi đều là những người đói, chỉ có Ben là kẻ no, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Facebook Comments Box

Comment