Dù cho nhiều người nói rằng 2013 không phải là một năm có duyên cho điện ảnh, vì những tác phẩm được ra đời đã không mang đến quá nhiều cảm xúc cho họ, thì tôi vẫn tin rằng, 2013 là một năm tuyệt vời của điện ảnh thế giới. Quá nhiều những bộ phim hay, những câu chuyện đẹp và đáng kinh ngạc trong sự tinh tế và đơn giản. Chính vì vậy, để chọn ra được những phim hay nhất hòng mong giới thiệu cho mọi người xem vào dịp nghỉ lễ là điều khó khó khăn. Dù vậy, tôi cũng cố gắng lựa chọn theo cảm tính của mình những bộ phim tôi tâm đắc nhất, mang đến nhiều giá trị giải trí cũng như những ý nghĩa của đời sống mà ta với chỉ một cuộc đời không thể tự thân trải nghiệm. Đó, tôi nghĩ chính là điều tuyệt vời của điện ảnh, mang đến cho một cuộc đời những trải nghiệm của muôn vàn cuộc đời khác. (Có vài phim được sản xuất năm 2012 nhưng lịch ra rạp chính thức là năm 2013 nên vẫn được cho vào danh sách phim của năm 2013)

(Thứ tự giới thiệu không mang ý nghĩa phim này hay hơn phim kia).

1. The Hunt (Thomas Vinterberg, 2012)

Tôi tâm đắc với cái ý rằng, ai cũng luôn cho rằng trẻ con thì luôn luôn nói sự thật vì nhận thức vấn đề của chúng chưa được hình thành một cách rõ rệt để tư duy đa cực, nhưng nếu trẻ con nói dối thì sao? Thì nó sẽ lấy được lòng tin của mọi người, nhất là về vấn đề nhạy cảm và đáng lên án như “lạm dụng tình dục trẻ con”. Khi đó kẻ bị đẩy cho tội lỗi không thuộc về mình, sẽ phải làm gì để chứng mình mình vô tôi trước một đứa trẻ vô tội đang nói những điều không đúng. Từ một người bình thường trở thành tội đồ, từ một người được yêu quý thành một kẻ đáng kinh tởm, những người dân làng từ việc hòa thuận và vui vẻ trở nên nghi ngờ và đầy thù ghét. Ai đúng ai sai, a đáng lên ai không? Không ai trả lời được, đứa trẻ làm gì thì cũng là một sinh thể bé nhỏ vô tội, câu chuyện sẽ lôi ta đến đâu đây?

Các bạn có thể đọc bài review đầy đủ của tôi về bộ phim ở đây

The Hunt (2012) – Trẻ con nói dối thì đáng sợ đến mức nào?

“Cái hay của bộ phim đó là tạo ra một câu chuyện đầy kịch tính, sự lung lay của những luân lý đạo đức, những xung đột của cái tốt và xấu nhưng ta không thể căm ghét, trách cứ bất kì ai. Ai cũng có cái lý của mình để những hành động của họ gần như là điều hiển nhiên trong cảnh huống đấy. Nhưng qua đấy nó cũng bộc lộ ra những ranh giới vô cùng mong manh dẫn người ta rơi vào sự kiềm tỏa của giận dữ, căm ghét, khiến người ta mất đi lý trí của mình mà để cho những cảm xúc hằn học bộc lộ và lấn át hết cả.”

2. Before Midnight (Richard Linklater, 2013)

mza_1465672403693171639Before Midnight là phần 3 của chuỗi gồm ba phim, mỗi phim cách nhau 9 năm, đúng bằng số nằm ngoài đời của diễn viên cũng như số thời gian trải qua của hai nhân vật chính jesse (Ethan Hawke) và Celine (Julie Delpy), Before Sunrise và Before Sunset. Gặp nhau lần đầu tiên ở Áo, gặp lại nhau tại Paris 9 năm sau, và 9 năm sau nữa, họ ở Hy Lạp. Họ, mối tình với đầy sự duyên dáng, đầy vẻ cưng chiều của số phận, đầy sự thơ mộng của những tâm hồn yêu nhau nồng nhiệt đã đơm hoa kết trái. Phần 3, đóng khung trong một hoạt cảnh vợ chồng, nó có nhiều sự đáng yêu đến từ trách nhiệm, xung đột, cuộc sống. Họ vẫn “nói nhiều” như vậy, trò chuyện nhau về mọi vấn đề của cuộc sống, nhưng vợ chồng mang trong nó nhiều trách nhiệm hơn khi chỉ đơn thuần là đôi tình nhân, trách nhiệm mang đến xung đột, mang đến những cuộc cãi vã, mang tình yêu đến vực thẳm, và khi đó chỉ có những người đủ thông minh và vị tha mới cứu được nó. Phần 3 là vậy. Dù cho hai phần trước thật khó có thể cho ở điểm nào, thì phần 3 là sự hoàn hảo, sự bồi đắp hoàn hảo của tình yêu, của cuộc sống, kịch bản tinh tế, diễn viên xuất sắc dưới sự điều dẫn của một đạo diễn giỏi, Before Midnight là một tác phẩm xứng đáng với điểm 10 tôi cho.

“Họ đẹp ngay cả khi anh Jesse kéo áo và hôn nên ngực vợ, cái điều giản dị, bình thường không gợi dục nhất mà một cảnh phim liên quan đến tình dục có thể mang lại, nó như muốn nói rằng, đàn ông thì chẳng bao giờ lớn, lúc nào cũng rúc vào bầu vú khi nhỏ là của mẹ, và khi lớn là của vợ để tìm hơi ấm cho cuộc đời mình.”

Bài review đầy đủ có thể đọc ở đây: Before Midnight – Khi cuộc tình biến họ thành gia đình

3. Blue Is The Warmest Colour aka La Vie d’Adèle – Chapitres 1 et 2 (Abdellatif Kechiche, 2013)

La-Vie-d-Adele-PHOTO-Le-poster-officielĐược giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes, nếu chưa xem thì người ta nhìn vào bộ phim đơn thuần là về một cặp đôi đồng tính nữ. Nhưng nhìn như vậy là hời hợt và đánh giá thấp đạo diễn Kechiche. Blue Is The Warmest Colour có thể nói là bộ phim hay nhất về tình yêu trong năm 2013. Tình yêu của sự trưởng thành, của tuổi mới lớn, của sự đi tìm hiểu chính bản chất thật của con người mình. Đó là câu chuyện về 2 chương trong cuộc đời Adele (Adèle Exarchopoulos), ban đầu là một cô nữ sinh đang không thể biết chắc được về bản thân mình, về giới tính và tính yêu của mình. Bối rối, buồn bã, dằn vặt, cho đến khi tiếng sét của tình yêu đổ ập xuống người cô thiếu nữ khi Emma (Léa Seydoux) xuất hiện. Adele lao vào một tình yêu đầy đam mê, đầy dục vọng, một tình yêu mà cảm xúc thì thông thường nhưng mối quan hệ thì không thể công khai. Khi này chương 2 mở ra, Adele có công việc của mình, sống cùng Emma, sự xung đột, rạn nứt, ghen tuông bắt đầu xuất hiện như mọi tình yêu trên đời. Adele vẫn đang chớp chới đi tìm số phận cho mình, không như một Emma trưởng thành và từng trải. Diễn viên Adele Exarchopoulos là một sự phát hiện tuyệt vời của đạo diễn Kechiche, tự nhiên, thấu cảm vai diễn đã mang lại cho bộ phim một sức sống và sự quyến rũ không thể cưỡng được.

Bài review đầy đủ có thể đọc ở đây: Blue is the warmest colour/ La vie d’adele – Nỗi buồn của sự trưởng thành

4. The Place Beyond the Pines (Derek Cianfrance, 2012)

The-Place-Beyond-The-PinesChia làm 3 phần, bộ phim The Place Beyond the Pines giống như một bản sử thi về cuộc sống. Phần đầu tiên là diễn xuất của Ryan Gosling, nói về câu chuyện của Luke, câu chuyện đơn giản, buồn và quyến rũ đó đã ngay lập tức giữ chặt người xem theo dỗi cuộc đời đó. Một cách mở đầu đầy hấp dẫn, mê hoặc và quyến rũ, câu chuyện về một người khi biết được mình đã làm cha đã thay đổi thế nào, và đã ra những quyết định ra sao để bảo bọc gia đình của mình. Phần giữa là câu chuyện của Avery Cross, câu chuyện về cớm sạch cớm bẩn, về những mối quan hệ bên trong ngành cảnh sát, về tham vọng, về những âm mưu chính trị để đạt được địa vị trong xã hội. Còn phần cuối, khi thế hệ sau của 2 người đàn ông đó lớn lên, chúng đã đi theo những số phận như thế nào, chúng đã đụng độ nhau và cách chúng đối diện với người cha của mình ra sao.

Bài review đầy đủ của phim có thể đọc ở đây: The place beyond the pines – Phim dành cho đàn ông

5. Upstream Color (Shane Carruth, 2013)

Một bộ phim độc lập kinh phí thấp đúng nghĩa khi mọi khâu từ đạo diễn, biên kịch, sản xuất đều có sự tham gia của Shane Carruth và đặc biệt là một câu chuyện đậm dấu ấn tác giả. Upstream Colour là một bản nhạc siêu thực hòa tấu những giai điệu tưởng như đầy phi lý để liên kết sự sống và cái chết. Nó giống như những mảng màu tan vào nước hòa lẫn vào nhau tạo thành một thể mà ta không thể bóc tách, đôi khi ta không thể gọi tên, ta chỉ đơn giản chiêm ngưỡng, trầm trồ vì những sắc độ kì lạ lôi cuốn và mang nhiều nét kì ảo. Câu chuyện không có sự bóc tách về mặt ý nghĩa qua từng khung hình, nó nằm bên trên đó, là sự giao thoa của trí tưởng tượng mà Shane Carruth trong sự sáng tạo được thể hiện của mình vẽ nên nhằm tạo ra một chiều không gian đa diện, phi lý đến ngạc nhiên, nhưng lôi cuốn vô cùng.

Bài review phim đầy đủ có thể đọc ở đây: Upstream Colour – Mối liên kết phi lý của sự sống và tình yêu

6. Short Term 12 (Destin Cretton, 2013)

short-term-12-poster01Phim độc lập luôn là một món ăn ngon, dễ chịu và đầy ý nghĩa. Sự độc lập khiến đạo diễn không quá phụ thuộc vào khán giả đã khiến cho bộ phim thường tạo được một không khí thật nhất và lồng được vào tinh thần duy cảm của đạo diễn. Short Term 12 là một tác phẩm đơn giản, tinh tế và nhân đạo khi xây dựng trên chủ đề nhức nhối của xã hội hiện đại – lạm dụng trẻ em, và không hề nói quá khi cho rằng đây là một trong những phim hay nhất 2013. Không đi quá sâu vào cách thức bạo hành trẻ em, câu chuyện nói về những vết rạn tâm lý của những đứa trẻ được xã hội nuôi dưỡng khi mà chúng không có được một tuổi thơ toàn hảo bên gia đình, khi mà gia đình là ác mộng, và là điều chúng không thể thổ lộ với bên ngoài. Short Term 12 đi sâu vào nỗ lực mô tả sự hàn gắn những vết thương trong một cộng đồng mà sự quan tâm, thấu hiểu được đặt lên hàng đầu, những ẩn ức đã được  giấu kín dần dần được phát lộ nhờ vào những tâm hồn biết yêu thương nhau hết mực.

Bài review phim đầy đủ có thể đọc ở đây: Short Tearm 12 – Bộ phim xúc động về nạn lạm dụng trẻ em

Còn nữa….

Comment