Late Autumn (2010) là tác phẩm của đạo diễn Kim Tae Yong, được làm lại từ phim Full Autumn của người đạo diễn đồng hương Lee Man Hee năm 1966, bộ phim này thực ra cũng là dựa trên một cuốn tiểu thuyết. Late Autumn có sự kết hợp của cặp đôi nam nữ diễn viên chính nổi tiếng đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc là Huyn Bin và Thang Duy.

Khi đang ngồi tù năm thứ bảy do tội ngộ sát người chồng bạo hành của mình, Anna (do Thang Duy đóng) được tại ngoại trong vòng 72 giờ để đến dự đám tang của mẹ mình ở Seattle. Thật là kỳ lạ khi một phạm nhân giết người có thể xin được tại ngoại. Chính nhân vật trong phim, anh trai của Anna cũng nói “đây là lần khoan hồng đầu tiên từ trước đến nay dành cho một tội phạm giết người”, trước khi có người quở trách anh ta về sự thiếu tế nhị.

Nhưng quả thật bên ngoài nhà tù vẫn không phải lối thoát dành cho cô. Đã quen với việc bị gọi là “Phạm nhân số 2537”, Anna thấy lúng túng khi thấy thế giới bên ngoài đã thay đổi quá nhanh. Những đứa cháu họ của cô nhìn cô bằng ánh mắt tò mò. Người tình cũ giờ đây đã có gia đình và đang sống hạnh phúc nhưng vẫn làm tim cô xao xuyến bởi sự quan tâm ấm áp từ anh. Người anh ruột của cô thì chưa gì đã mải lo chuyện thừa kế dù mẹ mình thì còn chưa được chôn cất.

Anna tìm thấy sự an ủi từ nơi ít ai nghĩ tới nhất, một con người xa lạ và đáng ngờ. Hoon (Huyn Bin đóng) một người nhập cư Hàn Quốc sống bằng nghề trai bao, tình cờ xuất hiện trước mặt Anna và trở thành nguồn vui của cô. Không giống như nữ chính bị trói buộc bởi 72 giờ đồng hồ tại ngoại, Hoon đang trong vòng xoáy rượt đuổi muôn đời của mình, vừa phục vụ khách hàng vừa bị những người chồng ghen tuông rượt bắt. Tuy nhiên, trong lúc ấy anh lại hứng thú với Anna, người khách đầu tiên anh không thể làm hài lòng. Và sự tò mò chuyển thành một điều gì đó hơn thế nữa. Sâu thẳm trong Hoon đã có một hơi thở khác, điều hoàn toàn mới lạ mà một gã chuyên làm vừa lòng phụ nữ như anh không bao giờ dám mưu cầu lấy cho mình.

Thông thường, lời thoại là một phần rất quan trọng của điện ảnh, là công cụ để qua đó chuyển tải sự tương tác, giao tiếp, yêu thương và tình cảm giữa người với người trong phim. Tuy nhiên bộ phim của Kim Tae Yong lại tự tin coi nhẹ yếu tố đó. Ông kể một câu chuyện tình yêu của hai người xa lạ, những người không sử dụng nhiều từ ngữ để chia sẻ cảm xúc trong tận cùng trái tim của họ.

Bộ phim là tiếng thở dài mây khói giữa không gian nặng sương mù ở thành phố Seattle lạnh lẽo cô độc, nơi các nhân vật bị lãng quên bên rìa xã hội, bị cột vào thân cây của sự cô độc và những chia rẽ sâu sắc với thế giới xung quanh. Anna và Hoon tìm đến nhau như hai giọt nước tách ra từ áng mây của sự lãng quên, cùng nhau rơi xuống và vỡ tan ở một điểm, đó là sự cô đơn. Họ nương tựa vào nhau, cùng chia sẻ những mất mát và hư hao trong tâm hồn, từ đó trở thành hai mảnh của nhau, dù chỉ là trong 72 giờ ngắn ngủi.

Đoạn 2 người gặp nhau ở dưới đường hầm, khi Anna nói lan man bằng tiếng Trung về việc cuộc đời cô đã đi vào bi kịch ra sao, cuộc sống với người chồng bạo hành của cô đã kéo dài như thế nào, rốt cuộc cô có lỗi gì. Hoon không hề thắc mắc và chỉ đáp lại cô bằng hai từ tiếng Trung duy nhất mà anh biết là Hao (tốt) và Hwei (xấu). Một đoạn hội thoại âm thầm mà trầm lắng. Khi cả hai nhân vật đều không hiểu tiếng nói của nhau nhưng sâu bên trong lại hàm tàng một bờ dựa cảm thông sâu sắc. Hoon đọc được cảm xúc trong ánh mắt của Anna và anh đáp lại cô như một tín hiệu của sự đồng cảm. Ta thấy được biết bao nỗi niềm thổn thức động vào trong mắt Anna. Nhưng thực chất đó lại là những cảm thông từ Hoon. Những rung động chất chứa trong mắt anh phản chiếu vào mắt của Anna và Hoon nhận lại những cảm xúc ấy khi mắt cô nhìn anh. Bởi vì thế mà khi hai người nhìn nhau trong cảnh đó, ta cảm giác như cả một bầu trời nạm đầy những ngôi sao buồn lấp lánh đang thức để canh màn đêm đang yên ngủ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người.

Khi Hoon chạy đến từ chỗ của người chồng đang săn lùng mình để trao cho Anna một nụ hôn vội vã, ta cảm nhận được nỗi yêu thương chan chứa đang tràn ra trong tim anh. “Người thương” là một từ có đủ sức nặng để rơi lún phím đàn và đủ độ sâu để tạo ra âm thanh đánh gục trái tim người sỏi đá nhất. Sự chia rẽ ngôn từ đôi khi lại là cánh cổng thông giữa tâm hồn hai cá thể. Trên thế giới, mỗi ngôn ngữ lại diễn đạt từ ấy theo cách khác nhau. Tiếng Pháp, là Chérie. Tiếng Tây Ban Nha, Prenda. Tiếng Đức, Schatz. Tiếng Hàn Quốc, là Jagi. Nhưng với Hoon, có lẽ lúc ấy anh muốn đánh đổi tất cả những chữ đó lấy một chữ Anna mà thôi. Cô đã đi qua cánh cửa sâu nhất trong tim anh và khiến anh muốn đóng mãi mãi cánh cửa đó lại, khiến cô trở thành người thương của anh, người anh muốn ở bên mãi mãi.

Sự im lặng, nếu được đặt đúng chỗ, có thể trở thành mũi tên xuyên nát tim người. Và âm thanh của tiếng lòng chạm nhau, đôi khi có thể gảy vào trong sợi dây sâu thẳm nhất trong tâm hồn mỗi người. Sợi dây liên kết giữa Anna và Hoon đã trở thành dây đàn vô hình, ngân lên mỗi khi hai người chạm mặt và lan toả không ngừng giữa bầu không khí trong suốt lạnh lẽo của Seattle lẫn trong tâm hồn con người, khiến hai kẻ yêu cô đơn có sức hút không ngờ với người đối diện. Thực ra, không phải âm thanh. Mà vô thanh mới là tiếng khóc đẹp đẽ nhất.

Hai diễn viên chính đã có một màn diễn tốt. Cả hai đã đem sự cân bằng khéo léo vào một lối kể chuyện giàu cảm xúc. Huyn Bin đem đến lực đẩy hài hước tươi vui còn Thang Duy chủ yếu duy trì diễn xuất nội tâm và phần lớn là im lặng.

Huyn Bin trong vai một chàng trai lúc nào cũng tưng tửng, cởi mở và vui vẻ để đáp ứng nhu cầu công việc đòi hỏi anh phải duy trì sự giả tạo như thế. Hoon làm cho người khác được an ủi nhưng đồng thời lại khắc sâu thêm nỗi đau trong anh. Huyn Bin khắc hoạ rất tốt một người đàn ông có vẻ ngoài yêu đời nhưng lại mang trong mình một dòng sông đã chết đang chảy ngầm bên trong, vừa có vỏ bọc tươi tắn nhưng lại vừa ôm bên trong một nỗi lòng chua xót.

Thang Duy trong vai Anna tần tảo, e ấp. Một phạm nhân đã quá xa vời với thế giới bên ngoài. Sự giao tiếp đã mờ nhạt dần và trở thành chức năng bị bỏ quên trong cô. Anna phần lớn là mang trạng thái im lặng trong bộ phim nhưng những cử chỉ và vẻ bẽn lẽn của cô vẫn phần nhiều thể hiện được một tâm hồn vụn vỡ và tro lạnh trong cô đơn. Thang Duy lại càng khiến ta muốn khẳng định rằng: trên đời này có những thứ chỉ có dáng hình phụ nữ mới miêu tả được.

Và theo cách đó, câu chuyện tình yêu giữa người đàn ông và phụ nữ cô đơn xen lẫn vào khung cảnh Seattle cô độc suốt hai tiếng đồng hồ. Cả câu chuyện và những biểu tượng hình ảnh sẽ đi thẳng đến trái tim người xem, chứ không phải là não bộ. Late Autumn là một phim đặc sắc và phù hợp nếu bạn muốn lang thang trong hai giờ đồng hồ để trải nghiệm cảm xúc cô đơn.

Minh Quân

Facebook Comments Box

Comment