Nếu đôi mắt cửa sổ tâm hồn thì cánh mũi của chúng ta là gì?

Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy năm 1986 của Patrick Süskind bộ phim đưa ta theo “dấu mũi” của nhân vật phản anh hùng Grenouille đi đến điểm tận cùng của nỗi ám ảnh.

Grenouille ngay từ những giây phút sinh ra đầu tiên đã là một nhân vật mang tầm vóc bi kịch. Đẻ rơi rớt ở cái chợ cá nghèo khổ, bẩn thỉu và bốc mùi nhất khu ổ chuột Paris thế kỷ XVIII, hắn bị mẹ mình bỏ mặc đó cho đến chết. Nhưng cái khát vọng sống trong Grenouille lớn lắm, cái mùi tanh thối tởm lợm không làm hắn sợ mà trái lại, cứu đời hắn khi khiến hắn cất tiếng khóc chào đời.

Bi kịch nối tiếp bi kịch, mẹ Grenouille bị kết tội chết vì định giết con còn hắn thì bị tống vào trại trẻ mồ côi hủi lạnh, nơi hắn suýt bị bọn trẻ khác giết chết ngay ngày đầu tiên. Rồi làm nô lệ cho một xưởng làm da thuộc khắc nghiệt, độc hại mà ngay cả những kẻ tá điền sung sức nhất cũng phải bỏ mạng nơi đây. Vậy mà Grenouille vẫn cứ sống, khỏe phây phây!

Trông bề ngoài Grenouille rất bình thường: gầy gò ốm yếu, ít nói, xa lánh con người và không có gì đặc biệt nhưng có hai điều kỳ lạ về hắn: khả năng nhận biết mùi chính xác đến kinh ngạc, thậm chí là từ khoảng cách rất xa và hai: người hắn hoàn toàn không có mùi.

Những tính cách của Grenouille gợi nhớ đến một siêu anh hùng của thế giới cũ nhưng ở thái cực ngược lại: hắn không phải con người mà là một chiếc bóng, vô cảm, vô dục và lạnh lẽo. Ở Grenouille có một sự mỉa mai trớ trêu nhất của đời người, còn hơn cả việc nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven bị điếc hay họa sĩ Eşref Armağan bị mù bẩm sinh. Mùi hương là cả thế giới của Grenouille, hắn được ban tặng (hay bị nguyền rủa) cho một tài năng đến thế nhưng chính bản thân hắn lại chẳng có mùi, điều Grenouille mãi sau này mới khám phá ra.

Giống như một con người không tên, không giấy khai sinh, không thẻ căn cước vậy. Đối với Grenouille, không có mùi nghĩa là hắn chẳng là ai trên cõi đời này cả, bất chấp khả năng trời sinh độc nhất vô nhị của mình. Không như những “người trần mũi thịt” như chúng ta, Grenouille ngửi thấy mùi hương của vạn vật, từ đồng, sắt, thủy tinh, mèo cho đến con người.

Trong cái bối cảnh lịch sử thế kỷ XVIII ấy, tắm rửa và sạch sẽ là điều không tưởng với người dân nghèo ở thành phố. Cả một thế giới đầy rẫy những thứ bốc mùi, ô uế như thế thì nước hoa hẳn là một thiên thần hạ giới. Cái lần đầu tiên Grenouille được ngửi cái mùi cả đời hắn chưa từng được thưởng thức cũng chẳng khác gì cảnh những kẻ cuồng đạo được thấy chúa hiển linh.

Grenouille ngấu nghiến thế giới như một kẻ tham lam vô độ muốn lưu giữ mọi tinh chất của thế giới, của vạn vật vào trong tay mình. Hắn có thể viết ra công thức 100 loại nước hoa hạng nhất cho bậc thầy chế tạo nước hoa đã qua thời hoàng kim Baldini dễ như ta đọc bảng cửu chương nhưng vẫn chẳng có tí chút thỏa mãn. Với tham vọng lưu trữ mùi hương của 13 phụ nữ còn trinh để tạo nên thứ nước hoa kỳ diệu trong huyền thoại, Grenouille rời bỏ thầy mình để đến Grass, nơi hắn bất đầu gây ra những tội ác tày đình.

Có lẽ cột mốc thay đổi cuộc đời Grenouille là khi hắn vô tình làm chết cô gái bán chanh. Dẫn lối bởi những ám ảnh cuồng loạn về mùi hương biến mất trên thân xác cô gái đã tắt thở, hắn quyết phải chế tạo ra cái mùi hương đó để chứng minh với thế giới sự tồn tại của mình, rằng mình cũng là một ai đó trên thế giới này chứ chẳng phải kẻ vô danh.

Cách xây dựng hình tượng Grenouille thật khiến cho tôi khó có thể cảm thấy ghét hay kinh tởm hắn. Chỉ thấy một sự tội nghiệp, không chỉ vì những điều sai trái mà còn vì những gì Grenouille làm chẳng khác nào theo đuổi chiếc bóng của chính mình. Hắn làm tất cả để đạt được sự hoàn mỹ của cái đẹp và tình yêu của người khác nhưng sự hoàn mỹ ấy đã bị triệt tiêu ngay từ những giây phút đầu tiên khi phương tiện và nỗi ám ảnh bệnh hoạn đã hủy diệt mục đích cao thượng.

Ben Whishaw đã có một vai diễn phim câm để đời khi đặc tả một Grenouille hết sức tuyệt diệu: bẩn thỉu, gần như không bao giờ mở miệng và bị ám ảnh với mùi hương đến cùng cực. Hắn ngửi mọi thứ ở mọi nơi, mọi lúc từ những hòn đá, ngọn cỏ, chùm quả chín mọng hay thùng cá ươn – cả triệu triệu thứ mùi của thế giới xộc thẳng vào cánh mũi Grenouille như một điều bất khả kháng.

Cả bộ phim tràn ngập những cảnh close-up Ben Whishaw đứng hít ngửi và khám phá thế giới bằng mũi – một cách biểu đạt cảm xúc bất thường trong điện ảnh, Ben và đạo diễn Tom Tykwer đã phải nghiên cứu hành vi của động vật và cách chúng tương tác với thế giới qua mũi của mình để có một vai diễn trọn vẹn nhất.

Ben Whishaw là ngôi sao rực rỡ nhất của bộ phim. Không, phải nói là mũi của Ben Whishaw mới đúng. Chỉ bằng thứ ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm gương mặt kỳ diệu, Ben Whishaw có thể thay đổi thái độ và cảm xúc nhân vật chỉ bằng những cử động cơ mặt nhỏ và tinh tế nhất. Với khả năng như thế thì anh ta thật sự chẳng cần phải nói gì mà vẫn có thể truyền tải đến khán giả một Grenouille thật và đáng tin – một kẻ sát nhân và một thiên thần ngây thơ vô tội cùng một lúc.

Sau một thời gian dài ở nước ngoài tôi thường chỉ thấy những người già ở đây có cái tâm thế im lặng và bình tĩnh như Grenouille, họ có thể ngồi ở công viên lặng ngắm hoàng hôn cả tiếng đồng hồ chẳng làm gì hay ngồi bên nhau theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình lâu thật lâu mà vẫn thấy thỏa mãn, tương thông và hạnh phúc. Người trẻ đòi hỏi nhiều ở nhau hơn thế. Tuổi trẻ mà – lúc nào cũng sục sôi năng lượng, nhiệt huyết, nông nổi, thiếu kiên nhẫn và mọi thứ phải ồn ào hết cỡ.

Tôi có thể thao thao bất tuyệt khi gặp một người bạn đồng sở thích, nhưng phần lớn thời gian tôi tận hưởng sự im lặng của mình để quan sát những người khác khoa tay múa chân nói chuyện. Sau một thời gian rất dài làm cái việc kì quặc như thế thì tôi thấy lời nói cũng chỉ là một loại mặt nạ mà bất kỳ ai cũng có thể khuôn đúc thành hình dạng tùy ý như mình muốn. Khi nói họ có thể giả tạo và tỏ ra là một con người khác, nhưng một khi dừng lại, bỏ cái mặt nạ đó ra thì mọi thứ thuộc về bản chất đều bị phơi bày ra hết. Sự im lặng không biết nói dối – nó có sức mạnh và âm hưởng bằng trăm nghìn câu chữ khi cất tiếng. Thế giới bi kịch của Grenouille khởi nguồn từ sự im lặng giống như Henry David Thoreau đã nói:

“Bi kịch của quan hệ giữa con người với nhau chẳng phải sự hiểu nhầm của lời nói. Nó là khi im lặng không được thấu hiểu.”

Sự im lặng thường đẹp đôi với bóng tối. Nơi đâu có ánh sáng ở đó cũng có bóng tối. Bóng tối là trọng tâm, là tương phản, là nền của cả bộ phim. Chỉ cần xem qua những khung hình đầu tiên tôi đã cảm thấy bảng màu và ánh sáng được đạo diễn Tom Tykwer lấy rất nhiều cảm hứng từ Chiascuro trong tranh của hai danh họa Caravaggio và Rembrandt. Tông màu lúc đầu lạnh và đơn sắc, theo thời gian khi Grenouille khám phá ra nhiều mùi hơn thì bảng màu cũng được mở rộng và trở nên ấm áp hơn. Tôi phải nói: những bộ phim như “Perfume” mới là một bữa tiệc thị giác thật sự chứ không phải Avatar – thiết kế bối cảnh và trang phục cũng không kém phần tuyệt vời. Hơn 1400 bộ quần áo thế kỷ XVIII cho 5200 diễn viên quần chúng được nghiên cứu và thực hiện trong bảy tháng hay như 2.5 tấn cá và 1 tấn thịt được dùng cho cảnh chợ cá kèm theo một đội 60 người đi làm bẩn đường phố cho giống một khu ổ chuột ở Paris ngày xưa.

Ngoài ra Tom Tykwer cũng sáng tạc nhạc (score) cho Perfume cùng với hai đồng sự quen thuộc Johny Klimek và Reinhold Heil như tất cả các phim khác của ông. Tykwer cho rằng sáng tác nhạc phim không chỉ là nội dung, kịch bản mà người đạo diễn hiểu cái không khí và những yếu tố trừu tượng tiềm ẩn khác. Đặc biệt hơn ông còn thu âm nhạc phim trước và mang đến phát ở các trường quay để các diễn viên có thể hòa mình vào không khí cảnh quay một cách nhập tâm nhất. Tôi nghĩ nếu không làm đạo diễn thì Tom Tykwer cũng sẽ trở thành một nhà soạn nhạc phim tài ba.

Cuốn tiểu thuyết “Das Parfüm” ra mắt những năm 1985 nhưng mãi 15 năm sau nhà sản xuất Bernd Eichinger mới mua được tác quyền làm phim vì tác giả Süskind từ chối cho tác phẩm lên phim trừ khi có một trong hai người làm đạo diễn: Stanley Kubrick và Milos Forman. Ông tin rằng chỉ có hai cái tên đó mới chuyển thể được cuốn sách của mình một cách trọn vẹn. Đây cũng là một câu chuyện thú vị, bản thân cuốn tiểu thuyết nói về sự ám ảnh nhưng ngay cả quá trình theo đuổi tác quyền 15 năm của Eichinger cũng đã đủ hấp dẫn để lên màn ảnh nhỏ. Người Đức vào thời điểm ấy đặt rất nhiều kỳ vọng lên bộ phim này, nhiều đạo diễn tên tuổi đã được cân nhắc như Martin Scorsese, Steven Spielberg, Ridley Scott… nhưng cuối cùng đạo diễn người Đức Tom Tykwer đã được chọn.

Quá nhiều tiểu thuyết với cái mác “Không thể chuyển thể” đã được đưa lên màn ảnh thành công khiến cụm từ trên đã phần nào trở nên thừa thãi và giảm giá trị. Ấy thế mà cuốn sách này của Patrick Süskind vẫn là một thử thách đặc biệt khó khăn. Mặc dù còn một số thiếu sót về kịch bản nhưng tôi vẫn rất thích cách diễn giải của Tykwer lên “Das Parfüm”. Một bộ phim cần trí tưởng tượng để viết ra kịch bản, cần lòng dũng cảm để quay, cần sự suy ngẫm để diễn và cần những khán giả với sự tò mò và mở lòng táo bạo nhất để thưởng thức.

Facebook Comments Box

Comment