Joon-Ho Bong là một trong những đạo diễn phim hàng đầu của Hàn Quốc bây giờ. Những tác phẩm điện ảnh của anh luôn mang một hàm lượng rất cao tính giải trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn với chất nghệ thuật của điện ảnh. Giải trí và nghệ thuật tưởng như khó có thể đồng hành, Joon-Ho Bong là một ngoại lệ đáng chú ý. Những phim của anh luôn có một sự ma mị đầy lôi cuốn không chỉ dành cho những giờ phút giải trí trên màn ảnh rộng mà cả những giờ phút người ta cần tìm một bộ phim để chiêm nghiệm và suy ngẫm về cuộc đời. Bốn năm sau tác phẩm tội phạm đầy bị kịch Mother, Snowpiercer dựa theo truyện tranh của Pháp “Le transperceneige” đã quyến rũ Joon-Ho Bong từ năm 2004 khi anh đang làm bộ phim The Host, và dự định làm phim này sau đó được hiện thực hóa vào năm 2013, tác phẩm điện ảnh Snowpiercer, bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn người Hàn với thể loại khoa học giả tưởng đã được công chiếu. Thật không uổng công chờ đợi của người hâm mộ điện ảnh, bộ phim khoa học viễn tưởng gay cấn, kịch tính và rùng rợn đã thực sự mang đến những giây phút đầy ám ảnh trên màn ảnh rộng.

Hậu tận thế không phải là một chủ đề mới, Snowpiercer cũng là một bộ phim với bối cảnh như vậy. Do sai lầm của con người khi cố gắng cứu môi trường đang ngày càng tệ hại, cả trái đất đã bị đóng băng trở về kỷ băng hà, loài người gần như bị tuyệt diệt. Trong bối cảnh đó, chỉ có duy nhất vài nghìn người trên một chuyến tàu lửa chạy không ngừng suốt 17 năm qua là sống sót. Trên chuyến tàu đó, như chiếc thuyền mà Noah đã dùng để cứu loài người khi trái đất bị trân Đại hồng Thủy trong Kinh Thánh, loài người co mình sống sót, tuy nhiên, trong một xã hội thu nhỏ đó, những tưởng là sự nương tựa để sống sót, thì loại người với bản chất của mình vẫn đã tự phân cấp thành những giai tầng khác nhau mà càng đi về toa đầu tiên điều khiển con tàu sự khác biệt càng rõ. Sẽ chẳng có gì thay đổi khi ở toa đầu tiên là một cỗ máy được điều khiển bởi người tạo ra nó với những sự bảo trì đảm bảo con tàu sẽ không bao giờ phải dừng lại. Sự phân cấp khi ở mức độ quá lớn thì tầng lớp thấp nhất luôn sẽ vùng lên để tìm lại tiếng nói và công bằng cho sự tồn tại của mình. Sự vùng lên sẽ không thể thực hiện nếu không có người lãnh đạo, những kẻ mạnh mẽ và dám làm. Nhiệm vụ đó đã được trao cho Curtis (Chis Evans), một thanh niên cao lớn, không rõ nguồn gốc nhưng được những người khác tôn trọng. Anh đã lãnh đạo tầng lớp thấp nhất trên con tàu để tiến về phía đầu tàu, tìm lại sự công bằng cho sự tồn tại của con người.

Con tàu với rất nhiều toa, đã không ngừng chạy trong suốt 17 năm. Mỗi toa có chức năng riêng biệt để duy trì sự sống cho tầng lớp từ thấp nhất đến cao nhất của xã hội thu nhỏ đó. Có những toa tàu tạo thức ăn, toa nuôi dưỡng các sinh vật cung cấp dinh dưỡng, cây cỏ… Tất cả đều được che kín sau những cánh cửa ngăn toa nặng nề với đội ngũ quân đội luôn sẵn sàng súng ông để tiêu diệt bất kì ai nổi loạn. Con tàu là biểu trưng cho một hành trình. Hành trình của con tàu trong Snowpiercer dường như là vô định và không thể dừng lại. Bộ phim của Joon-ho Bong cũng vậy. Chúng ta không chờ mong ở sự lý giải tại sao có những nhân vật hay làm cách nào con tàu đó bắt đầu chạy. Chúng ta cũng không hy vọng một cái kết như một điểm đến cố định để kết thúc. Bộ phim này là một hành trình dành lấy sự công bằng, hành trình đi tìm chân lý cho sự tồn tại của mình so với đồng chủng loại người. Ở đầu tàu, nơi duy trì cho cỗ máy luôn được ổn định là Wilford (Ed Harris), là người luôn được cho là bận rộn và không có thời gian ra mặt, thay mặt ông là một người phát ngôn viên Mason (Tilda Swinton) tạo hình đầy vẻ kệch cỡm, sang trọng, trưởng giả. Ở cuối tàu là Curtis cùng với một lãnh tụ tinh thần là Gilliam (John Hurt). Curtis được cho biết rằng muốn mở các cánh cửa giữa các toa thì phải cứu được người thợ máy tên là Namgoong Min-Su (Song Kang-ho). Namgoong sau đó cùng với con gái mình đã thỏa thuận với Curtis về một loại thuốc phiện gây ảo giác sau mỗi cánh cửa mở được. Đoàn quân của tầng lớp thấy nhất đấy đã tiến về phía trước.

Joon-Ho Bong là một người cứng rắn và không thỏa hiệp với những cảnh hành động tàn nhẫn. Sự xung đột gây chiến của hai nhóm là những cảnh chiến đấu không thực sự ấn tượng về mặt thị giác, nhưng ấn tượng về sự không có lòng nhân từ. Hơn nữa, những cảnh chiến đấu đấy có đôi chút hài hước và kịch tính bị làm quá lên một cách đầy chủ ý, trong khuôn mặt ngơ ngác và vô hồn của Namgoong, khuôn mặt đầy nghiêm trọng và quyết tâm của Curtis, cùng những thứ vũ khí được trang bị tốt của bên quân đội, nó vừa thô bạo, lại vừa đầy chất thơ, vừa là sự không thể thỏa hiệp nhưng lại mang hơi hướng “văn chương hóa” rất thú vị. Đặc biệt, khi lên đến những toa cao hơn, cửa sổ của toa tàu không bị bịt kín bằng kim loại mà bằng kính, ánh sáng chói lòa của tuyết bên ngoài đối nghịch với sự tăm tối và bẩn thỉu bên trong tạo nên một sự mâu thuẫn và đối lập khiến người ta phải ngỡ ngàng. Đôi khi người ta sẽ tự hỏi tại sao không cứ an phận trên con tàu đó để sống sót, còn hơn là lao lên phía trước, tiệm cận cỗ máy mà mình không biết gì để rồi phá tan hết và chết tất cả? Tất nhiên biên kịch hiểu câu hỏi đó. Ánh sáng chói lòa của thế giới bên ngoài, những người đã từng cố gắng trốn khỏi tàu bị đông cứng trên tuyết nhưng không vì thế mà bên ngoài đó đáng sợ. Đó là sự tự do, sự lựa chọn mà mỗi con người khi sinh ra có quyền chọn lựa cho mình. Họ cứ tiến lên phía trước bất chấp tất cả để tìm sự tự do, có lẽ vậy, mà ở đây Curtis là đại diện cho ý chí tự do mạnh mẽ nhất.

Bộ phim nói tiếng anh đầu tiên của Joon-Ho Bong, với dàn diễn viên đa quốc tịch, nhưng họ đã diễn xuất và ăn rơ với nhau rất tốt. Ai cũng làm tròn vai của mình một cách xuất sắc, đặc biệt là Chris Evans, Tilda Swinton và Kang-Ho Song. Bỏ đi bộ quần áo và cái khiên của Captain America (Một siêu anh hùng của Mỹ trong bộ phim cùng tên), Chris Evans vào vai một người đàn ông mạnh mẽ, thông minh quyết đoán, có một quá khứ không rõ ràng, và một động lực tiến về phía đầu tàu không được nhắc đến nhiều. Một khuôn mặt hoàn toàn phù hợp với vai diễn, một tinh thần hoàn toàn phù hợp với khả năng thể hiện của mình, Chris Evans đã đi đến tận cuối với những bí mật được khám phá, với sự dũng cảm và với một tấm lòng đáng tôn trọng như anh vẫn được tôn trọng khi ở toa cuối cùng của mình. Tilda Swinton là một vai diễn kì quặc, xấu xí, độc ác, thích trình bày và nhiều mưu mẹo, một vai diễn đáng ghét trong từng khuôn hình mà bà xuất hiện, rất ấn tượng và lạ lùng. Còn Kang-ho Song chắc chắn là một trong những diễn viên xuất sắc nhất của Hàn Quốc tại thời điểm này, khuôn mặt tròn dễ cảm tình, đôi mặt lại vô hồn và như luôn luôn ở đâu đó xa xôi. Nhân vật của Kang-Ho Song vừa gây cười vừa khiến người ta yên tâm vì một kẻ tưng tửng và rất kịch như vậy đi đến đâu lại gây ra sự thú vị đến đấy.

Liệu sự tồn tại có ý nghĩa không khi nó chà đạp lên những giá trị đạo đức tối thiểu của xã hội? Khi sự phân cấp và thiếu công bằng là điều ai cũng nhận thấy? Liệu sự tồn tại đáng giá hơn tất cả? Joon-Ho Bong đã cho chúng ta câu trả lời, một câu trả lời rất khó nói về đúng sai, mà mỗi chúng ta tự ý thức khi xem phim về vị thế của mình, của mỗi cá nhân trong xã hội, sự công bằng, tự chủ là quan trọng? hay sự tồn tại và an phận là đủ? Snowpiercer là một phim hay vì cái thông điệp đó, vì hành trình của con tàu đâm xuyên qua những khối băng khổng lồ trên đường mình đi, hay cũng chính là hành trình của Curtis và những người dưới đáy xã hội thu nhỏ đấy tìm tự do công bằng cho chính mình.

Facebook Comments Box

Comment