The Green Knight – Danh hão của kẻ hèn yếu

The Green Knight của đạo diễn David Lowery mang đến cho khán giả những trải nghiệm thị giác cực kỳ đặc sắc trên nền một câu chuyện cổ nước Anh ở thời kì trung cổ dưới sự trị vì của vị vua Arthur huyền thoại với thanh kiếm báu Excalibur.

Nhưng không giống như những câu chuyện cổ được dựng thành phim trước đây vốn thường xoay quanh những người anh hùng là kị sĩ bàn tròn và vị vua Arthur, The Green Knight là câu chuyện về một kẻ chưa được phong tước hiệp sĩ, một người cháu của Arthur có tên Gawain. Đạo diễn Favid Lowery đã dựa trên bài thơ cổ Sir Gawain and The Green Knight để xây dựng nên một tác phẩm điện ảnh đậm tính cá nhân với dấu ấn mạnh mẽ đến từ dàn cảnh, ánh sáng, và âm nhạc.

Câu chuyện thơ cổ khá đơn giản, đó là hành trình của chàng Gawain từ một chàng công tử chỉ hâm mê rượu và sắc đã dám nhận lời thách thức của một hiệp sĩ thần bí có tên The Green Knight (Tạm dịch Lục Hiệp  Sĩ) vào đúng ngày lễ Giáng Sinh. Lục Hiệp Sĩ thách bất kì hiệp sĩ nào dám tham gia vào trò chơi với ông ta. Trò chơi đó là ông ta sẽ giơ đầu ra cho kẻ đó chặt, đổi lại, 1 năm sau cũng vào đúng ngày Giáng Sinh, kẻ hiệp sĩ đó phải đi đến Ngôi Đền Xanh để cho ông ta chặt đầu. 

Không hiệp sĩ nào tại bữa tiệc dám đứng ra nhận lời thách thức ngoại trừ Gawain do nam diễn viên Dev Patel thủ vai. Gawain luôn có dáng vẻ của một gã trai sợ sệt nhưng muốn thể hiện mình, một dạng đàn ông yếu đuối nhưng luôn cố gắng thể hiện ra rằng mình mạnh mẽ. Trong một xã hội của Thập Tự Chinh, của hiệp sĩ, của đàn ông tính mạnh mẽ, Gawain chỉ muốn được mọi người công nhận mà không phải cười cợt trước mặt anh. Gawain nhận lời, cầm thanh kiếm của vua Arthur, cậu sợ hãi chặt đầu của Lục Hiệp Sĩ. Nhưng thay vì nhìn thấy cái chết, Lục Hiệp Sĩ chỉ đơn giản đến cầm lại cái đầu của mình để đón nhận sự “hồi báo” của chàng Gawain và một năm sau.

The Green Knight mang đậm chất huyền bí và sử thi với tiết tấu chậm vãi cộng hướng với âm nhạc mang hơi hướng thần học, khiến bộ phim đầy huyễn hoặc với cái nhìn  thị kiến đầy mơ hồ giữa thực và ảo của chàng Gawain trong quá trình chàng trai này bắt đầu hành trình đi đến Ngôi Đền Xanh để hoàn thành “trò chơi” này. Bằng những hình ảnh thị giác tuyệt vời của nhà quay phim Andrew Droz Palermo người từng hợp tác cùng David Lowery trong bộ phim The Ghost Story mang đến sự choáng ngợp vô cùng ấn tượng với những  gam màu thay đổi trong từng trạng thái của nhân vật chính, tạo dấu ấn sâu sắc cho người xem khiến bộ phim càng được bao phủ bằng sự mơ hồ và kì lạ vốn là điều đặc sắc lôi cuốn trong các thiên truyện đầy tính sử thi của lịch sử. 

Khá giống cách kể chuyện chậm rãi trong A Ghost Story (review), The Green Knight tạo dựng bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh có tính ám ảnh, nhiều ẩn dụ tôn giáo trong lời thoại, nhiều tính triết lý trong cách nhân vật hành xử. Gawain muốn trở thành người hùng, nhưng trong cách thể hiện của đạo diễn, Gawain không hơn gì một người đàn ông cố thoát khỏi cái tâm hồn nhạy cảm dầy sợ hãi của mình. Từ việc cố gắng giúp lấy lại đầu cho thánh nữ Wilifred, đến việc bị người phụ nữ quý tộc trong lâu đài quyến rũ và không thể cưỡng lại được dục vọng và bị cô ta nhận xét bằng một giọng khinh bỉ, một ám thị cho cái nam tính độc hại mà Gawain đại diện.

Một trong những điều làm nên thành công trong việc truyền tải câu chuyện của bộ phim chính là diễn viên Dev Patel. Được biết đến đầu tiên từ bộ phim Triệu Phú Ổ Chuột, nam diễn viên Dev Patel thực sự ghi dấu ấn với đề cử Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất qua bộ phim Lion về một chàng thanh niên Ấn Độ đi tìm lại gia đình thất lạc của mình. Đối với tôi, Lion không tạo ấn tượng gì nhiều, bản thân nhân vật của Dev Patel cũng khá bình thường, có chút sến mang tính thương mại của những bộ phim cần nước mắt của khán giả. Tôi đã rất bất ngờ với Dev Patel trong The Green Knight, khi anh đã thể hiện tuyệt vời một Gawain có phần hèn nhát nhưng luôn luôn cố gắng hết sức mình để trở thành một hiệp sĩ. Một sự vật lộn nội tâm thể hiện đầy đủ trên khuôn mặt đầy “râu tóc” nhưng non nớt 1 cách đáng thương.

Thật hiếm có một bộ phim sử thi dựa trên một câu chuyện cổ lại để lại nhiều dư vị ấn tượng đến vậy. Tôi nhớ đến bộ phim Macbeth dựa theo kịch của Shakespeare do đạo diễn Justin Kurzel thực hiện. Tôi thực sự luôn bị mê hoặc bởi những câu chuyện về thời trung cổ châu Âu nhưng được diễn giải bằng thứ điện ảnh sử dụng rất nhiều kĩ thuật về ánh sáng, màu sắc và camera để kể chuyện. Đẹp và ám ảnh biết bao.

Facebook Comments Box

Comment