“Ông có biết bên ngoài kia có gì đang đợi ông không?”
“Tuổi trẻ”

Ông bác sĩ của khu nghỉ dưỡng cao cấp trên dãy núi Alps thuộc Thuỵ Sĩ đã hỏi và trả lời Fred như vậy trong những ngày hè cuối cùng. Mà như một định ước, dường như năm nào Fred và Mick cũng đều đến đây để nghỉ dưỡng vào mùa hè, nơi mà mỗi người sẽ theo đuổi những mục đích riêng tại một nơi ở chung, một người chậm, và một ông già không chấp nhận dừng lại trước sức mạnh của thời gian.

Fred với sự thủ vai của Michael Caine là một nhà soạn nhạc, một nhạc trưởng danh tiếng. Ông đang mắc kẹt bởi tuổi tác, sự chậm chạp, những niềm hoài cổ khiến cho khuôn mặt luôn trở nên thất thần, và mệt mỏi. Nhưng cuộc sống chưa chịu cho ông nghỉ ngơi, nữ hoàng Anh muốn ông tham dự đám cưới của hoàng tử Anh, và sẽ làm nhạc trưởng cho chính bản nhạc mà ông sáng tác “the simple song”. Nhưng một điều gì đó ngăn cản ông đằng sau những lý do về tuổi tác, mà ông muốn chôn giấu. Còn Mick (Harvey Keitel) là một chân dung trái ngược, dù đã già, nhưng người đạo diễn danh tiếng của Hollywood vẫn còn tràn đầy sinh lực, ông đến nơi nghỉ dưỡng này với một nhóm những tay viết trẻ để hoàn thành kịch bản cho bộ phim mà ông cho rằng sẽ là “di tác” cuối cùng của đời mình. Mick không chấp nhận một cuộc sống thụ động và nhàm chán, ông những mong muốn để lại “kiệt tác” điện ảnh với sự tham gia diễn xuất của nàng thơ mà ông đã hợp tác trong rất nhiều phim trong sự nghiệp đạo diễn của mình.

http://images.amcnetworks.com/bbcamerica.com/wp-content/uploads/2015/08/Youth.jpg

Từ The Great Beauty cho đến Youth, dường như đạo diễn Paolo Sorrenti đã định vị cho mình một phong cách làm phim về những người đàn ông ở độ tuổi xế chiều. Mà từ đó, như một ẩn dụ hoàn hảo cho tuổi trẻ, tuổi già mang đến một vẻ đẹp duy mỹ nhàm chán, và một thế giới chậm, chắc chắn, nhưng đôi khi quả thực vô cùng phù phiếm. The Great Beauty là sự tối cao của phù phiếm, còn Youth là sự phù phiếm bọc ngoài những thân thể, đã dần dần đi đến gần nấm mộ của mình, mà ở đó, người ta cứ hoài niệm mãi về quá khứ đã qua, cũng như về khả năng đã cạn kiệt nhưng không thể chấp nhận sự thay đổi của cuộc đời.

Những khung hình tuyệt đẹp của khu nghỉ dưỡng cao cấp, nơi đề cao sự tĩnh lặng và thụ hưởng, nơi mỗi cá nhân chìm đắm trong bản thể của mình để thư giãn và chiêm nghiệm, tạo cho ta thấy sự trống trải, với những cá nhân trôi nổi đang cố gắng định vị mình với thế giới bên ngoài, và có thể, tìm kiếm một kết thúc “có hậu” cho đời mình. Một ca sĩ Opera với thân hình quá khổ lạc trong chính sự nặng nề của bản thân, một anh chàng diễn viên nổi tiếng nhưng không thoát khỏi được cái bóng của vai diễn cũ đang đi tìm một vai diễn mới mang tính đột phá, hay một cựu hoa hậu bị chỉ trích về trí tuệ của mình. Ai cũng có áp lực trong cuộc sống, một khu nghỉ dưỡng không thể khiến họ trốn khỏi cuộc đời. Fred liệu có đồng thuận lời đề nghị của Nữ Hoàng? Mick có làm ra một kịch bản để đời như anh mong muốn? Bộ phim có thể trả lời hoặc không, điều đó không quan trọng, quan trọng là những khung hình lửng lơ đi theo hai nhân vật chính, và xung quanh họ là những nhân vật phụ cũng đang trôi nổi trong chính cuộc đời họ.

http://www.tasteofcinema.com/wp-content/uploads/2015/10/youth-2015-movie-review.jpg

Để rồi từ đó, đạo diễn Sorentino không do dự thể hiện ra những sự thật đầy phũ phàng. Trong đó, một trường đoạn ấn tượng về sự xuất hiện của “nàng thơ” của Mick, Brenda Morel (Jane Fonda). Mick luôn luôn muốn kiệt tác cuối cùng của mình sẽ có sự tham gia của Branda Morel. Và đột nhiên bà xuất hiện ở khách sạn, trong một phong cách tự tin, một sự xuất hiện như thể nhân vật đó chính là Jane Fonda được đạo diễn viết riêng cho bà. Bộ phim giống như một tiếng vọng, một sự phản chiếu về chính Jane Fonda, dù bà chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn ngắn ngủi, nhưng cả bộ phim là sự xuất hiện gián tiếp hình ảnh của một người phụ nữ nắm trong tay quyền lực khi xuất phát điểm là đường phố, là bản năng tự thân để thành công. Còn Mick chỉ là ông già, như nhiều ông già cho rằng mình giỏi khác của Hollywood, người mà Brenda Morel chỉ tỏ ra xót thương hơn là nể trọng.

Đạo diễn Paolo Sorrentino với chiếc camera của mình, lướt qua giữa sự an bình và phù du như bóng ma, để ghi lại mọi thứ xoay quanh hai ông già. Những khung hình dù tĩnh dù động, những phân cảnh lạc loài, nhưng dường như không có khung hình nào thừa, không có một ý niệm nào bị bỏ xót, để từ đó ta nhìn thấy sự tương phản, một cô gái trẻ chuyên massage cho Fred thể hiện một sức trẻ tuyệt đối, một ông già Fred điều khiển bản nhạc của tự nhiên, già nua và chỉ còn lại một hình bóng xa vắng của đam mê và tình yêu… Mỗi nhân vật tự tiết lộ mình, bộ phim mang dáng vẻ phù sinh và trôi nổi, một nỗi buồn day dứt giữa sống làm người và chết.

Facebook Comments Box

Comment