1484127_10203411786272826_6557921648255471235_nMột hôm tôi đi trông trẻ, đứa trẻ con của chị bạn, tôi giúp chị đón nó từ trường về vì chị bận học không thể đi đón nó. Tôi dẫn Bi (tên ở nhà của nó) đi lang thang rất lâu tìm hiệu bánh có Donut, vì nhất quyết cậu chàng không chịu ăn bánh gì khác. Chúng tôi cứ đi như vậy, qua nhiều con phố, vào nhiều tiệm bánh khác nhau, nhưng thật kì là chẳng đâu có Donut, thứ bánh gợi tôi nhớ đến Dexter Morgan, trong serie phim truyền hình nổi tiếng đã kết thúc của Mỹ về một người ban ngày là chuyên gia xem xét vết máu tại các hiên trường vụ án, ban đêm lại là kẻ giết người hàng loạt. Chúng tôi ghé vào nhiều tiệm bánh, Bi sẽ nhìn khắp lượt, chăm chú, tôi sẽ chỉ bánh này bánh kia được không, nhưng cậu bé vẫn lắc đầu, chỉ muốn Donut. Chúng tôi lại đi, những con phố dần đông người vì đến giờ tan tầm đi làm về, xe cộ ồn ã. Thời tiết kì cục lúc bị những đám mây đen lớn bay lại tạo cho không khí một màu u ám và buồn bã, đôi lúc mây được đẩy trôi đi để ánh nắng xuyên thấu chiếu xuống thành phố, phủ một lớp vàng óng ở khắp nơi, khung cảnh từ u ám lại đôi phần nhộn nhịp. Chẳng phải nhộn nhịp vì trời tự nhiên sáng người ta đổ ra đường nhiều, mà nhộn nhịp vì cảm giác trong ánh nắng đó, hàng vạn những thứ vi sinh đang nhảy múa, và nó chạm vào những xúc cảm trên da thịt khiến cho tôi cảm thấy khung cảnh xung quanh vui vẻ hơn rất nhiều. 

Tôi vừa đi vừa cầm điện thoại, tôi thích chụp ảnh, và cứ tí chút tôi lại cầm lên và chụp một cái gì đó. Rồi tôi nhảy chân sáo trêu thằng bé, tôi nói gì đó với nó, tôi hát, tôi muốn nó nói chuyện, nó chỉ cười như mọi khi, nụ cười có đôi phần e thẹn giống thằng bé tôi hồi nhỏ mà chẳng nói gì, chỉ thỉnh thoảng lấy tay cào tay tôi như thể bảo tôi rằng nó biết chú đang nói gì. Rồi tôi giơ điện thoại ra chụp nó, nó lại quay tránh mặt đi, bàn tay nó vẫn luôn luôn trong bàn tay tôi, bàn tay nhỏ xíu, vô tội, dễ tổn thương. Tôi chợt nói to thành tiếng hỏi Bi: “sau này chú dị hợm về VN không gặp Bi nữa thì liệu Bi có nhớ chú không”?, Tất nhiên thằng bé không trả lời như nó vốn thế. Và bất chợt, không định trước câu hỏi đó kéo tôi về tuổi thơ khi ở trong Dak Lak, và những năm đầu ra Hà Nội, tôi đã được yêu thương bởi những người cô, chú, chị bạn của bố mẹ, và tôi tự lục lọi lại kí ức coi có bao nhiêu người mình vẫn còn nhớ, có ai mình còn liên lạc, và hẳn nhiên những ai đã quên thì cũng chẳng còn lưu kí ức để nhớ nữa.

Kí ức, nó như ở trong một căn phòng có ánh sáng tự động mà chỉ cần đâu đó tại hiện thực, có chút liên tưởng đến một vấn đề gì đó liên quan, căn phòng đó lại bật sáng như khi tìm thấy sự chuyển động của con người. Kí ức khi đó, trong ánh sáng của sự tìm kiếm, chợt hiện ra, dù mờ nhạt, dù không rõ ràng thì nó cũng ùa đến và đẩy suy tư của mình trở về cái lúc đó, thời điểm minh họa cho tâm tư hiện tại. Vậy rút cuộc, kí ức trong tên mới được định nghĩa trong dòng chảy suy nghĩ của mình, nó là những trang minh họa thiếu nét của một họa sĩ tồi, một họa sĩ phối màu kém và có những tư duy về hình khối không rõ ràng.

Nhưng dù có ánh sáng, kí ức trẻ con thật mờ nhạt, ít nhất là đối với một đứa trẻ vốn luôn lầm lũi một mình như tôi. Ánh sáng quá yếu để có thể cho tôi nhìn thấy rõ tuổi thơ của mình, tôi chỉ biết nó thật đẹp, có thật nhiều người yêu quý tôi, họ yêu quý tôi một phần vì tôi là một đứa trẻ ít nói và ngoan, một phần vì bố mẹ tôi sống tốt, luôn giúp đỡ người khác. Lúc đó, khi tôi nói với ku Bi, một luồng ánh sáng mờ đục loáng thoáng bay vào kí ức, xuyên qua những lớp thời gian chồng lên nhau quá dày để có thể nhìn xuyên qua mà tìm về tuổi thơ của mình. Từ khi còn trong căn nhà gỗ với vườn cây cafe bao quanh, bố mẹ vất cả nhưng ngôi nhà luôn thật ấm áp, tôi cảm nhận vật qua sự lờ mờ của trí nhớ mình, rồi đến căn nhà xây hai tầng chuyển ra ngoài phố, rồi chuyển tiếp đến căn nhà tập thể ngay trong cơ quan nơi bố tôi công tác tại Hà Nội. Thời gian đi theo đường tuyến tính, còn trí nhớ giống như biểu đồ hình sin, có những chỗ thật rõ ràng, có nhiều chỗ tan biến không còn dấu vết, hoặc phải chờ đến lúc nào đó, khi giác quan tôi bắt gặp một mùi vào đó, hay một ám thị nào đó liên quan đến kí ức đã lãng quên, may ra nó sẽ được đánh thức, gọi dậy và khiến mình nôn nao.

Tôi đang nôn nao, tôi nhớ mang máng, cái gì cũng mang máng. Những khuôn mặt, những câu chuyện, dòng chảy kí ức bị đứt đoạn, bị chà xát, bị mờ đi, giống như một bức thư được nhặt từ thế kỉ trước, đến thế kỉ này chữ nghĩa đã nhàu đi vì ẩm ướt, giấy đã đôi phần rách nát vì thời gian, hay giống như đang nhìn vào một cái gương với muôn vàn mảnh ghép ghép lại một cách hời hợt, mọi thứ được nhân hết gấp nhiều lần để rồi chẳng có cái gì có hình thù cụ thể nữa. Kí ức của tôi đang như vậy. Chú nào đã mỗi đêm nằm ngủ cùng tôi kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích mà tôi vẫn nhớ là tôi rất thích, nó là một câu chuyện dài, liên tục, để mỗi đêm câu chuyện được mở ra và tiếp nối. Tôi nhớ, tôi đã ngẩn ngơ vào một ngày chú phải đi xa không đến ngủ với tôi nữa, câu chuyện đứt đoạn và dang dở. Bây giờ thì tôi nghĩ tôi đã được nghe Nghìn lẻ một đêm, hoặc có lẽ chú đã nghĩ ra chuyện gì đó để ru tôi ngủ. Chú nào đã dạy tôi hát bài Chị Tôi của nhạc sĩ Trọng Đài “Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo” mỗi đêm, chú có giọng hát thật hay, ấm áp, chú cố bắt nhịp cho tôi hát, tôi nằm đó bên cạnh chú và hát to lên sao cho đúng tone và đúng nhạc, bài hát đầu tiên tôi thuộc, phải không? Tôi không nhớ nữa, nhưng tôi không thể quên tôi đã học bài đó như nào, trong những đêm trước khi đi ngủ như vậy. Hai người anh lớn của tôi, những người đã dẫn tôi đi ăn trộm quế, ổi… họ bây giờ như nào, họ trông như thế nào? Tôi không biết, tôi chỉ nhớ khi đi ăn trộm, anh trêu tôi “nhớ đái chút ra quần để ma đỡ quấy mình”, tôi đã tin sái cổ… Họ, những người đó, đã bao lâu rồi tôi không gặp, có người tôi còn nhớ tên, có người tôi không thể nào nhớ được, và khuôn mặt họ, trong tâm trí tôi đã đóng đinh lại ở thời điểm họ ở bên tôi, họ không già đi trong tâm trí tôi, tất cả những gì tôi nhớ, giống như một khung ảnh, đã sờn cũ và mờ đi nhiều lắm rồi, nhân vật trong ảnh thì mãi mãi tĩnh tại một điểm chấm trên trục thời gian thôi.

Một cuộc đời, cứ cho là sống khoảng 70 năm đi, có biết bao nhiêu cuộc đời khác đi qua, chạm vào, lưu dấu lại rồi mãi mãi chẳng bao giờ gặp lại. Những con người đó, họ để lại trong ta cái gọi là kí ức, họ bỏ vào trong căn phòng của não bộ ta một khung ảnh với chút ít câu chuyện nào đó để ta dù đi bất kì đâu trong cuộc đời, một cách tình cờ trong chuỗi ngày tồn tại của mình, chạm vào một công tác điện, và nhìn thấy một hình ảnh ám thị hiện ra trong não để khi đó, căn phòng kí ức được lục lọi kĩ càng và tìm đến khung ảnh chứa hình ảnh ám thị đó, và ta cứ như kẻ mộng du, trong sự hoài cảm và lưu nhớ về những thời đã qua, ta thấy ta đã từng như thế nào, họ đã như thế nào? Chẳng phải vì thế mà kí ức, mới chính là thứ có thật và sống duy nhất để chứng minh ta đang sống và tồn tại trên cõi đời này. Chứng minh với chính mình, chứ không phải chứng mình bằng những thứ trong đầu óc người khác, có nghĩa là tôi khi nghĩ về chuỗi kí ức đó nó đang chứng minh cho tôi về sự sống của mình, chứ nó không có mục đích gì chứng minh những hình hài kia đã từng tồn tại.

Vậy đấy, rồi một ngày ku Bi lớn, có lẽ cháu sẽ cầm tay một đứa trẻ nào đó, và biết đâu trong sự đa cảm của mình, cháu sẽ điểm qua khuôn mặt và giọng nói tuổi 27 của tôi, chú Tuấn, nhưng hình dung đã mờ nhạt lắm rồi.

 

Facebook Comments Box

Comment