Điệu Valse là một điệu nhạc hầu như ai cũng đã từng nghe nói đến, hoặc đã từng thấy vì tính phổ biến và sự dễ dàng để có thể thực hành điệu nhảy theo nhịp 3/4 này. Và với sự ôm sát nhau của 2 cơ thể người nam và người nữ khi theo nhịp Valse, trong nhịp xoay vòng nhanh, điệu nhạc đã trở thành một nhịp phổ biến để những nhạc sĩ dựa vào đấy viết lên những tác phẩm âm nhạc đầy tình cảm của mình. Nếu ai đã từng được xem bộ phim Fanfan có nữ diễn viên Pháp vô cùng xinh đẹp Sophia Marceau, trong một cảnh quay trong một phòng kiêu vũ, dưới âm nhạc của điệu Valse, cô mặc chiếc đầm trắng như váy cưới, ôm lấy chàng trai của mình, khuôn mặt hạnh phúc, họ nhảy bên nhau điệu valse, điệu valse đó cứ kéo dài mãi, họ cứ ôm lấy nhau, những cú máy quay từ trên cao xuống khuôn mặt Sophie đang ngước lên đôi mắt sáng ngời, trong nhịp tưởng như bất tận, ta như nhìn thấy tình yêu bất tận trong họ.

Nhưng hãy quên bộ phim và nhạc phim đi, chỉ lấy cảnh đó và ghép đoạn nhạc của ca khúc “les valses de vienne” vào (cảm ơn ai đó đã làm điều đó trên youtube), thì đấy là một sự phù hợp hoàn hảo. Và nội dung của bộ phim nếu đạo điễn chọn bản nhạc này làm sountrack thì cũng không hề đi lạc khỏi lời ca khúc.

Les Valses de Vienne là bản nhạc được thu âm vào năm 1989 bởi ca sĩ người Pháp François Feldman, đứng ở vị trí thứ 38 khi mới được Pháp hành, và đứng ở vị trí thứ 1 trong 4 tuần liền sau 7 tuần phát hành trên bảng xếp hạng âm nhạc ở Pháp. Tất nhiên, những con số không nói lên cảm xúc của bản nhạc, nhưng những con số đó đủ đưa tôi đến sự tò mò để tìm hiểu một bản nhạc Pháp một cách hoàn chỉnh nhờ sự giúp đỡ về dịch thuật của một cô bé.

Tôi tự hỏi tại sao một bản nhạc với tiết tấu không hề phức tạp, không có sự dụng công cầu kì của nhạc cụ, tiếng nhạc vang lên trong giọng trầm ấm của Francois với nhạc đệm của một dàn violon lại có thể trở nên được yêu thích như vậy. Tiết tấu nhạc nhanh, khi nghe ta như thấy được chính cái cảnh tôi đã nói ở trên của Sophie và anh người yêu, họ xoay vòng, trong ôm ấp nhau, họ im lặng trao nhau tiếng cười hạnh phúc trong đáy mắt. Vậy có thể nói ngoài việc bản nhạc có một giai điệu đẹp, dễ nghe, một bản pop ballads thành công về mặt nhịp điệu và tạo ra những cảm xúc nhất định cho bất kì ai kể cả những người không hiểu tiếng Pháp, thì bản nhạc còn có một thứ khác, một thứ rất Pháp khiên cho những người Pháp hay những người yêu Pháp thích thú, đó là sự chơi chữ của lời bài hát, những hình ảnh ẩn dụ xuất hiện trong bài hát, lời của cả bài hát như thể chính là những vần thơ, theo đúng tinh thần cua Pháp, tinh thần của Baudelaire, của Rimbaud, có một chút siêu thực, một chút u sầu, một chút mỉa mai, một chút châm biếm, một chút lãng tử… những thứ mà chỉ có ngôn ngữ được cho là cao quý như tiếng Pháp mới có thể cô đọng lại, thể hiện ra chỉ qua những hình ảnh liên tưởng mà khi nghe thôi đã thấy rất tình, rất giàu cảm xúc, và khiến người ta cứ bồi hồi.

Với một kẻ nghiệp dư về tiếng Pháp như tôi việc thể hiện cho mọi người thấy được cái thâm thúy của sự chơi chữ sẽ trở thành kịch và sự bối rối trong việc nắm bắt sẽ khiến cảm xúc của tôi sẽ không còn vẹn nguyên nữa. Nhưng khi nghe bản nhạc này, chỉ nghe tôi, bạn sẽ nghe thấy sự hợp vần ở những âm cuối trong câu trước và câu sâu của một số chỗ, và ta sẽ thấy rằng không chỉ Việt Nam mình mới có kiểu thơ hợp vần cuối để khiến cho câu thơ trôi chảy, và gắn kết ví dụ như:

“Tôi đứng trên cây cầu thời gian
Có tiếng gió bay vội thở than
Mùa thu vàng đang thở chậm
Và mùa đông lạnh đang nảy mầm”

Tất nhiên bài thơ của tôi trên chỉ là ví dụ xấu xí cho nhưng vần điệu tuyệt vời giàu ý nghĩa của lời bài hát.

Du pont des supplices
Tombent les actrices
Et dans leurs yeux chromés
Le destin s’est brouillé

Au café de Flore
La faune et la flore
On allume le monde
Dans une fumée blonde

Cách gieo vần giống nhau ở cuối tôi đã trình bày rồi, và dù bạn không biết tiếng Pháp thì cũng có thể nhìn thấy ở khổ trên vần điệu. Nhưng trong cái vần điệu đấy là những hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa, những hình ảnh tượng trưng mang tính biểu tượng của tác giả khi đưa vào bài nhạc nó chính là biểu hiện cho cảm xúc của nhân vật mà tác giả gửi gắm, mỗi hình ảnh đó, là tình yêu, là nỗi đau, là niềm chất chứa, sự thương nhớ, sự hờn trách của nhân vật.

Ngay khổ đầu tiên, trong tiếng dâng lên của violon trong day dứt của hợp âm bị chặt mạnh trên khuông đàn ta đã thấy một nỗi buồn u uẩn và sự rộn ràng giả điệu ban đầu như càng làm tăng thêm cái sự đau thương của nhân vật, và trong tiếng hát buồn bã, nhân vật đã dùng đến hình ảnh Pont des Supplices một cây cầu tượng trung cho sự không chung thủy, khi những người đàn bà phấn son coi tình yêu như những trò chơi, những màn diễn trên sân khấu kịch của cuộc đời bị ném xuống dòng sông sâu thẳm bên dưới. Đoạn này là sự oán trách về sự phũ phàng của người phụ nữ anh yêu, người đã chạy theo sự phù phiếm của cuộc đời, để lại trong anh một cuộc đời trống hoác với một đứa con gái không đủ bù lấp sự hụt hẫng của một tình yêu sâu nặng. Và khi đã oán trách trong nước mắt chảy thầm của người đàn ông, những hồi ức về những cuộc gặp gỡ ở quán cafe de Flore, hay những buổi đi dã ngoại mà ta có thể hình dung qua tranh của Monet, với thời tiết tuyệt đẹp, bầu trời thiên nhiên đầy sức sống, những khuôn mặt cười hạnh phúc. Ở đó, trong một cuộc sống như một giấc mơ, nơi thế giới dường như đối với họ không có bóng tối, không có những trăn trở thường nhật của cuộc đời, chỉ có tình yêu, được thắp sáng, trong ánh sáng vĩnh cửu của cuộc đời. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh “Có những lần nằm nghe tiếng cười nhưng chỉ là mơ thôi (Trịnh Công Sơn)”

Maintenant que deviennent
Que deviennent les valses de Vienne ?
Dis-moi qu’est-ce que t’as fait
Pendant ces années ?
Si les mots sont les mêmes
Dis-moi si tu m’aimes…

Maintenant que deviennent
Que deviennent les valses de Vienne ?
Et les volets qui grincent
D’un château de province ?
Aujourd’hui quand tu danses
Dis, à quoi tu penses ?

Âm nhạc đổi nhịp qua điệp khúc, những câu hỏi dây dứt của một trái tim tan vỡ “EM còn nhớ hay em đã quên” những điệu Valses của thành Vienne, những khắc khoải, những lo âu vẫn còn đọng lại như một thói quen, một sự quan tâm không có vào nơi hư không, anh đã biết câu trả lời, câu trả lời như ngọn giáo của những kị sĩ trung cổ đâm thẳng vào tim, nhưng biết thế nhưng những suy tư đó không dứt, nó như sự lặp lại của những cơn đau mà dường như nếu không còn những cơn đau đấy thì anh cũng chẳng còn ý nghĩa gì để sống nữa. Đó là tình yêu và đó cũng chính là sự phũ phàng của tình yêu. Tình yêu khi đến phải là sự đồng ý và yêu thương của cả 2 người, nhưng khi tan vỡ, thì chỉ cần một người dứt áo ra đi, còn người kia ở lại, trong những hàng lệ chảy dài không dứt, những nỗi buồn không nguôi, và sự lo lắng đã thành thói quen cứ mãi thường trực, nỗi buồn trong hạnh ngộ có thể mơ thấy trong những giấc mơ, khiến  khuôn mặt người đàn ông tan tác, trái tim không còn nguyên vẹn, những mảnh rách  của tâm hồn mãi không thể khâu vá, những hoài niệm cứ trở về trong những tiếng thở dài, trong khói thuốc, trong tiếng violon kêu sầu, những tiết tấu nhạc nhanh không làm cho nỗi buồn vợi đi, nó chỉ làm cho điệu valse được chơi nhanh, cái tiết đâu như nhịp đập của thời gian, mà trong những cái chợp mắt, người đàn ông nhìn thấy quá khứ, nhìn thấy nụ cười, nhìn thấy cô gái đang trong vòng tay mình nhảy điệu valse thành Viên đầy hạnh phúc, khuôn mặt cười như mùa hạ, và rồi lại một ánh chớp khác, là hiện tại khi cô gái trong vòng tay đang nhảy với người đàn ông khác? Liệu, cái mệnh đề có điều kiện đấy cứ khắc khoải như tình yêu của người đàn ông dường như không bao giờ cạn. Và khi đã kiệt sức trong nỗi buồn bất tận vì một thực tế không cần trả lời. Bản nhạc lại xoay lại những nhịp độ ban đầu.

Dans la Rome antique
Errent les romantiques
Les amours infidèles
S’écrivent sur logiciels

Du fond de la nuit
Remontent l’ennui
Et nos chagrins de mômes
Dans les pages du Grand Meaulnes.

Lại một lần nữa tác giả hay người đàn ông lại quay quắt lại trong sự dàn vặt của sự không trung thủy. Tôi lại trở ngược đến Sophie Marceau, trong phim Fanfan chị là một người tình sâu nặng, chị yêu hết mình nhưng chớ trêu người yêu của chị đã có mọt người phụ nữ mà anh và người phụ nữ đã dự định lấy nhau. Trong tình huống như vậy, người đàn ông trong phim đã phản bội 2 người phụ nữ, và tất cả những gì cổ kính và lãng mạn, những kiêu hãnh và yêu thương của tình yêu đã bị chà đạp bởi “infidele” và “logiciel”, bởi sự không trung thủy, bởi những lập trình máy móc của cuộc sống. Và những người yêu chung thủy, lại hoài niệm, lại trở thành những kẻ Nostragia đi tìm kí ức để xoa dịu tâm hồn mình, và rồi có vẻ như ai cũng vậy, khi họ tuyệt vọng, khi họ cơ đơn vì bị bỏ rơi, họ lại nghĩ đến những mối tình đầu, hoặc nghĩ đến một câu chuyện thời 16,17 thật đẹp của minh để cố nở một nụ cười nào đó với cuộc đời thô ráp này, để hy vọng con gái mình sẽ có được sự huyền diệu của tình yêu đầy trong sáng của thưở mới lớn đấy.

Cả bản nhạc là những giai điệu nhanh, giọng của ca sĩ ấm vang và đều trên nền của violon, để từ đó một điệu Valse của hoài niệm được hình thành, được biểu diễn trong sự khắc khoải của tình yêu, sự đau khổ của cuộc đời, trong những nụ cười đã trở thành kí ức xa xôi. Một bản nhạc quá giàu tính biểu cảm, và cảm xúc đến từ bài hát sẽ không đến với bạn ngay lần nghe đầu tiên, mà nó ngấm vào bạn trong những mạch ngầm sâu kín của sự trải nghiệm, của những va vấp trong đời sống tình cảm. Và một lần nữa, trong cái buồn khổ của một người đàn ông mất đi người mình yêu thương hết mực, ôgn đã tạo ra được vẻ đẹp của những hình ảnh ẩn dụ, những hình ảnh ẩn dụ dẫn ta vào một thế giới châu Âu cổ kính lãng mạn giàu chất thơ, giàu nhạc điệu và rất buồn. Chính cái không khí châu Âu thấm đẫm bản nhạc là một nét rất đặc sắc, bản nhạc chỉ là một bản pop ballad dựa trên giai điệu của một điệu nhảy vô cùng đơn giản, nhưng trong đó, nội hàm của nó ta thấy được những bản nhạc cổ điển của Mozart, của Beethoven một bản sonata dành cho violon nó cứ ẩn hiện đâu đó ở phía sau, mà khi nghe, âm giai như vọng về từ đâu đó xa xôi, một tiếng dội của quá khứ, của những lâu đài chìm khuất trong sương sớm.

PS: Bài viết sử dụng bản dịch và những chú thích về ngôn ngữ và địa điểm của Hồ Xuân Tâm Khánh – một người bạn rất giỏi tiếng Pháp. Bài viết chỉ là cảm nhận của cá nhân người viết, có thể đúng có thể sai.

 

Facebook Comments Box

Comment