Việt Nam có Truyền Kì Mạn Lục, Trung Quốc có Liêu Trai Chí Dị, thì Thái Lan cũng có những câu chuyện li kì và cảm động như vậy giữa thế giới loài người và ma quỉ. Pee Mak là một trong những câu chuyện như vậy. Có lẽ cùng mức độ nổi tiếng “Người Con Gái Nam Xương” ở Việt Nam, thì Pee Mak cũng là một thiên truyện nổi tiếng của Thái, nơi mà tình yêu đã lấp đầy khoảng cách tưởng như không thể nối liền của hai thế giới Người và Ma.

Nội dung câu chuyện kể ra rất đơn giản, nó xảy ra vào thế kỉ thứ 19 trên đất Xiêm (Thái Lan bây giờ), Mak – một anh thanh niên ngờ nghệch và thật thà cưới được một cô vợ vô cùng xinh đẹp, Nak mang thai thì Mak lại bị xung quân ra chiến trường, tại chiến trường Mak bị thương nặng nhưng với sự không cam tâm chết khi để vợ lại một mình, Mak đã sống sót và trở về. Trong khi đó Nak ở nhà đến kì sinh nở đã không thể vượt qua và chết. Cả dân làng ở đó đều sợ hãi với những tiếng hát ru của ma Nak trong đêm, đều tránh xa ngôi nhà đó của Nak. Mak về, dân làng đều xa lánh, nhưng không ai dám nói sự thật vì sợ Nak sẽ đến giết mình. Mak không biết rằng vợ mình, người mà mình gặp lại đó chỉ là một con ma đã quá lưu luyến tình trần mà ở lại chờ Mak.

Ngoài ra, đi về cùng Mak từ chiến trường là bốn người bạn thân, mỗi người một vẻ, một gã đeo kính đầy trí thức luôn luôn nhìn vấn đề và đưa ra suy luận đầy trực quan, sinh động, một anh chàng hiền lành, rụt rè, luôn luôn lép vế so với bạn, một gã to con, ăn nói sỗ sàng, luôn ra vẻ ta đây hiểu biết và mạnh mẽ, một người nữa là con nghiện cờ bạc. Câu chuyện xoay quanh việc đối phó với Nak của bốn gã bạn thân mặc dù sợ hãi vô cùng nhưng còn đó tình bạn còn mạnh hơn để giúp Mak nhận ra sự thật, tình yêu của người và ma, giữa Mak và Nak.

Mak và Nak là hai nhân vật chính điều đó thì không cần phải nói, nhưng bốn người bạn của Mak mới thực sự là cái đinh của câu chuyện, làm nên cái duyên vô cùng thú vị và hài hước. Bốn anh chàng rồng rắn nhau chạy ma, la hét om sòm, giật mình thom thóp nhưng vẫn cứ phải lì lại để cứu bạn, trong khi cũng sợ hãi vãi ra quần lo cho tính mạng của chính mình. Bốn anh chàng mỗi người một tính cách, vừa ngớ ngẩn, vừa có vẻ thông minh, vừa trẻ con, lại vừa ra vẻ dũng cảm, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu hơn, người to mồm thì chèn ép kẻ nói năng không rành rọt. Bộ phim chia thành hai mạch, một tuyến về tình yêu, một tuyến dựng vào đó một câu chuyện kinh dị đầy sợ hãi. Tình yêu thì xúc động, còn kinh dị thì đúng kiểu vừa sợ nhưng vừa cười rung cả “giường chiếu”.

Banjong Pisanthanakun, đạo điễn của Shutter (2004), bộ phim thuộc dòng phim kinh dị gây được tiếng vang lớn, khiến Mỹ chộp ngay lấy để dựng lại phiên bản của mình. Ông đã tiết chế một cách vô cùng khôn khéo cái chất kinh dị trong bộ phim này, cái tiết chế đó khiến cho người xem thấy đủ giật mình chứ không đến mức khiến người ta phải hồn vía khiếp đảm như Shutter, vì trong cái chất kinh dị của phim này là chất hài hước đậm chất Thái, cái hài hước nguyên sơ và ngu ngơ của những người dân thuần chất. Tất nhiên, đấy là cái duyên diễn tuyệt vời của bốn anh chàng diễn viên với những cái tên không-thể-cho-vào-đầu-nổi Nattapong Chartpong, Pongsatorn Jongwilak, Wiwat Kongrasri và Kantapat Permpoonpatcharasuk. Đó cũng là do kịch bản đơn giản nhưng sắc sảo và hài hước. Hơn thế nữa còn là một kịch bản bất ngờ, khi tạo những tình huống dở khóc dở cười khiến người ta băn khoăn tự hỏi thực sự chuyện gì đang xảy ra, ai là ma, ai là người. Cái hay của kịch bản này còn ở chỗ, đôi khi ta thấy tình tiết có vẻ vô lý, nhưng rốt cuộc khi nghĩ kĩ thì không phải, nó phải thế, cái tình yêu phi tự nhiên này khiến cho tình huống nó phải vậy. Đôi khi kịch bản còn gài vào lời thoại những lỗi rất ngớ ngẩn về thời gian, khi kể vanh vách một số bộ phim như 300, đạo diễn Lý An… khiến mình không thể hiểu nổi là cái phim này nó diễn ra vào thời kì nào?

Cánh cửa của hai thế giới ma và người chính là cái háng, “Mẹ tao bảo, nhìn qua háng thì sẽ biết được ai là người, ai là ma”. Nhưng háng của ai, cái đó hãy để thằng ngốc làm thử để ta cười thỏa chí đã, sau đó thì cái háng thực khiến ta rợn tóc gáy với khuôn mặt trắng nhởn, mái tóc dài và bàn tay co giãn như Luffy Mũ Rơm vậy. Ai là ma thật, ai là người thật rồi sẽ tỏ tường, nhưng cái cuối cùng còn lại để lên tiếng, đó là tình yêu, thứ tình cảm vừa sến, vừa buồn, vừa kì cục, vừa khó hiểu đối với người ngoài, nhưng lại vô cùng tuyệt diều và mạnh mẽ đối với những ai đang yêu, cái tuyệt diệu đó khiến Nak chấp nhận làm một bóng ma bị ruồng bỏ, một thân một mình đợi chồng, cái tình yếu đó khiến Mak chỉ nhìn thấy một bản thể duy nhất, bên trên cái thuộc tính siêu nhiên của Nak, cái bản thể vợ mà anh yêu vô cùng, và là động lực để a vượt qua được thần chết mà trở về với cuộc sống. Rốt cuộc, Mak và Nak sẽ như thế nào? Bạn nên xem để tự tìm câu trả lời cho mình.

Bản thân không quan tâm đến điện ảnh Thái, không theo dõi nhiều vì thành thực mà nói, mình nghe tiếng Thái không quen, cảm thấy nó cứ tức tức tai. Nhưng qua phim này mới thấy tiếng Thái rất biểu cảm và hài hước. Những âm sắc ngắn gọn và dứt khoát, giống như ta đóng đinh vào tường, lời đã rơi ra thì đi thẳng đến tai người nghe chứ không hề tạo một cảm giác loanh quanh luẩn quẩn. Nghe vừa buồn cười, vừa thú vị.

Qua phim này nữa thì càng thấm thía cái tài của những nhà làm phim Thái, không kĩ xảo cầu kì, khoa trương lòe loẹt, không phải là dàn diễn viên trai xinh gái đẹp (không kể hai nhân vật chính), nhưng cả bộ phim toát lên một sự làm nghề thực sự, một kịch bản tốt, một dàn diễn viên diễn xuất tuyệt vời, tự nhiên và điệu nghệ, bối cảnh, dàn dựng, âm thanh đều được thực hiện ở mức tốt làm tăng thêm rất nhiều hiệu ứng của phim mà đạo diễn muốn mang tới cho người xem. Một bộ phim đúng nghĩa, kinh dị mà hài hước, một câu chuyện liêu trai thật đẹp và sâu sắc. Nhìn vào điện ảnh Việt Nam, một sự tham chiếu quá chênh lệch.

Comment