Wild strawberries (tạm dịch: Những quả dâu dại) ra mắt vào năm 1957 của đạo diễn huyền thoại người Thuỵ Điển Ingmar Bergman là những chiêm nghiệm của tuổi xế chiều, trong đó có nỗi nhớ tiếc thanh xuân, sự thấu hiểu về cái chết và những triết lý của chủ nghĩa hiện sinh.

Ingmar Bergman là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh. Các tác phẩm của ông có thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, phong cách kể chuyện độc đáo. Chủ đề xuyên suốt trong các bộ phim mà Bergman thực hiện là sự cô đơn, chủ nghĩa hiện sinh và những triết lý của ông trong việc nhận thức hiện thực về ý nghĩa sống của con người.

Ông phản ánh nhân cách trong xã hội thông qua tôn giáo, các câu chuyện cổ, các bi kịch cá nhân và gia đình điều mà đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên các thế hệ đạo diễn về sau.

Wild strawberries là một trong những tác phẩm nổi bật được biết đến nhiều nhất của Ingmar Bergman. Bộ phim mang đến cái nhìn tinh tế về câu chuyện của tuổi già với những hình ảnh gần gũi, giàu sức biểu cảm và dễ gây xúc động cho khán giả. Qua bộ phim, người xem cảm nhận được sự nuối tiếc cũng như cảm giác bình yên của con người khi bước đến những năm tháng cuối của cuộc đời.

Bộ phim kể câu chuyện hành trình đi về quá khứ của bác sĩ Borg (nam diễn viên Victor Sjöström thủ vai) khi ông nhìn thấy cái chết được báo trước của mình trong một cơn ác mộng. Giấc mơ kì lạ về cái chết dường như đánh thức trong ông những hoài niệm xa xôi về cuộc sống, những điều mà ông đã bỏ quên vì bản tính ích kỉ, lối sống lạnh lẽo mà ông đã dùng để đối xử với những người yêu thương ông suốt gần cả đời mình.

50 năm hành nghề Y đã mang đến cho ông danh tiếng và sự trọng vọng của đồng nghiệp, ông được tặng bằng danh dự của nhà thờ cho những cống hiến của mình. Trong ngày đi nhận bằng, ông đã quyết định tự mình lái xe mặc cho tuổi cao sức yếu và quãng đường tương đối xa, đồng hành cùng ông là cô con dâu Marianne (Ingrid Thulin).

 Lái xe qua những vùng quê, ông ghé qua ngôi nhà thời thơ ấu, ghé qua ngôi nhà của người mẹ già đã 95 tuổi. Ông như một đứa trẻ mở cánh cửa trở về nhà, ông thấy lại người tình hồi trẻ, thấy lại gia đình đông con, và thấy lại những hồi ức mà ông đã quên lãng.

Những hồi ức ùa đến, nhưng đó là hồi ức mà ông chưa từng có mặt. Ở đó, có câu chuyện về người ông yêu thương đang bị người anh họ của mình tán tỉnh, có câu chuyện về bữa ăn gia đình với từng tính cách của mỗi người hiện ra qua những nét chấm phá độc đáo bằng cử chỉ và cách nói chuyện. Borg chứng kiến cái không khí của dĩ vãng với khuôn mặt tò mò, lạ lẫm, nhưng đầy yêu thương.

Bằng thủ pháp đặt nhân vật ở hiện tại vào trong khung hình và bối cảnh quá khứ, Các nhân vật lướt qua ông như một bóng ma, mang đến cho ông sự nuối tiếc hiện hữu về tuổi trẻ, tình yêu, tình bạn.

Bên cạnh những hồi ức riêng tư của một ông già đang bước hết tuổi xế chiều, là câu chuyện của ông trong mối quan hệ với cô con dâu, ba thanh niên trẻ đi nhờ xe với những tranh cãi gay gắt về sự tồn tại của Chúa, hai vợ chồng gây tai nạn với cách hành xử kì cục và thiếu sự tôn trọng người khác. Ông bàng quang với những tranh cãi, và không nặng lời với những điều khó chịu. Ở ông, trên hành trình của mình, ông đang dần chấp nhận hơn cuộc sống, không để cho bản năng lấn át, điều giúp ông tìm được bình yên cho tâm hồn đang già cỗi của mình.

Đạo diễn Ingmar Bergman không tạo ra những nhân vật có mong muốn quay ngược thời gian để thay đổi bản thân trong quá khứ. Borg thay đổi mình ở hiện tại, đó chính là chất hiện sinh hiện hữu mà đạo diễn muốn thể hiện trong phim. Điều này cũng được thể hiện rõ ở nhân vật con trai, dù anh xuất hiện chỉ trong vài phân cảnh ngắn nhưng cũng bộc lộ con người lạnh lẽo của anh. Anh ta nói sau khi biết vợ mình có con mà anh ta thì không hề mong muốn có:

“Cuộc đời này khiến anh phát bệnh. Anh sẽ không ép bản thân phải sống thêm một ngày để chịu trách nhiệm cho điều mình không muốn.”

Tài năng của đạo diễn Ingmar Bergman thể hiện ở thủ pháp kể chuyện vô cùng tinh tế. Ông đặt vào phim những giấc mơ theo trường phái biểu hiện nơi Borg nhận ra cái chết của mình, nhận ra những sai lầm của mình. Có lúc là ác mộng, có lúc là nỗi đau, có lúc là sự báo trước, và có lúc là hy vọng. Bộ phim trộn lẫn những sắc thái cảm xúc của Borg để tạo thành một bản nhạc dẫn đường cho tâm hồn cằn cỗi và có nhiều điều để hối tiếc của ông.

Liệu cuối cùng ông đã tìm được sự bình yên và thấu hiểu vòng lặp bất tận của cuộc sống: sinh, lão, bệnh, tử? Ingmar Bergman trả lời bằng một cái kết tuyệt vời, ông già nằm xuống trên giường, bình yên, và mãn nguyện, âm nhạc dịu nhẹ được trình diễn cho đến khi cắt cảnh. Ta mong rằng, đến cuối cùng, giấc mơ ám ảnh ông về cái chết ở đầu phim, cuối cùng cũng đã bị ông rũ bỏ đi như một sự chấp nhận.

Wild strawberries tinh tế và đẹp đẽ. Bộ phim không chỉ đào sâu vào tâm lý nhân vật và tìm đường ra cho chính nhân vật của mình, mà còn là một hình mẫu cho thể loại phim hành trình, nơi những biến cố ngẫu nhiên, cộng với những tác động của ngoại cảnh làm chuyển biến tính cách và giúp nhân vật hoàn thiện chính mình hòng giúp người xem đồng cảm và thấu hiểu về nhân vật hơn.

Ai cũng sợ cái chết, nhưng nếu hiểu rằng, cái chết là điều hiển nhiên của sự tồn tại, thì có lẽ con người sẽ tìm được sự bình yên xuyên suốt hành trình sống.

  • Wild strawberries giành giải Gấu Vàng tại liên hoan phim Berlin lần thứ 8. Bộ phim cũng giảnh giải phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Quả Cầu Vàng năm 1960. Ngoài ra dù được đề cử giải Oscar cho kịch bản xuất sắc nhất nhưng Ingmar Bergman đã từ chối.
  • Ba bộ phim của Woody Allen có ảnh hưởng mạnh mẽ từ Wild strawberries là Stardust Memories (1980), Another Woman (1988), Crimes and Misdemeanors (1989).
  • Nam diễn viên chính Victor Seastrom, trước khi tham gia vào Wild strawberries ông là một trong những đạo diễn ưu tú nhất trong kỉ nguyên vàng của phim câm ở châu Âu.

Facebook Comments Box

Comment